Án hành chính: Nhiều sai sót về tố tụng

Tại buổi trao đổi nghiệp vụ do TAND Tối cao và Trường Cán bộ tòa án vừa phối hợp tổ chức tại TP.HCM, Phòng Nghiệp vụ Tòa Hành chính TAND Tối cao đã chỉ ra hàng loạt dạng sai sót để các thẩm phán rút kinh nghiệm.

Theo Tòa Hành chính TAND Tối cao, trong thực tiễn xét xử án hành chính, các tòa địa phương thường gặp khó khăn ngay từ khâu xác định nội dung, đối tượng khởi kiện ban đầu.

Lúng túng xác định thẩm quyền

Trước hết là chuyện không ít tòa còn lúng túng về thẩm quyền giải quyết của tòa án (Điều 28 Luật Tố tụng hành chính). Nhiều tòa đã thụ lý, giải quyết các vụ án không thuộc thẩm quyền do ngay từ đầu chưa xác định rõ loại việc mà đương sự khởi kiện.

Chẳng hạn trong vụ tranh chấp đất đai giữa bà T. và ông Th., UBND thị xã M. (tỉnh B.) ban hành quyết định giải quyết tranh chấp với nội dung buộc ông Th. phải bồi hoàn cho bà T. giá trị đất. Năm 2008, sau khi khiếu nại yêu cầu UBND hủy quyết định bị bác, bà T. khởi kiện ra tòa. TAND thị xã M. thụ lý và xác định đây là một vụ án hành chính vì bà T. kiện quyết định bồi thường thiệt hại thuộc lĩnh vực quản lý đất đai theo quy định tại khoản 17 Điều 11 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (cũ).

Tòa Hành chính TAND Tối cao nhận xét việc TAND thị xã M. thụ lý vụ án là sai thẩm quyền vì quyết định hành chính nói trên là giải quyết tranh chấp đất đai chứ không liên quan gì đến việc bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ tại Mục 7 Nghị quyết số 04/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định: Quyết định, hành vi hành chính về quản lý đất đai trong việc giải quyết tranh chấp đất thì trong mọi trường hợp đều không phải là đối tượng khởi kiện hành chính. Mặt khác, giải quyết tranh chấp đất và bồi thường giữa các cá nhân với nhau khác hoàn toàn với việc bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.

Án hành chính: Nhiều sai sót về tố tụng ảnh 1

Đình chỉ vụ án sai

Ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, nguyên nhân của sai sót này là do các tòa xác định sai tư cách người tham gia tố tụng.

Ví dụ: Tháng 8-2007, UBND một phường tại TP.HCM ra quyết định xử phạt bà L. về hành vi cơi nới nhà trái phép. Bà L. kiện quyết định trên và được TAND quận thụ lý. Thẩm phán được phân công giải quyết án đã xác định chồng con bà L. là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Khi mở phiên tòa, lấy lý do những người này không có mặt, thẩm phán đã đình chỉ vụ án.

Tòa Hành chính phân tích: Chồng con của bà L. sinh sống ở nơi khác, không liên quan gì đến hành vi bị xử phạt của bà L. Do đó, việc đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là sai. Từ cái sai này dẫn đến việc đình chỉ vụ án là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, nhiều tòa cũng ra quyết định đình chỉ vụ án sai vì việc tống đạt giấy tờ không đảm bảo, không giải quyết yêu cầu hoãn xử của đương sự.

Chẳng hạn năm 2009, không đồng ý với quyết định thu hồi đất của UBND một huyện, ông Đ. khởi kiện, bị TAND huyện bác đơn. Ông Đ. kháng cáo. Trước phiên xử phúc thẩm hai ngày, TAND tỉnh mới tống đạt giấy triệu tập nên ông không kịp có mặt tại tòa vì bị bệnh và chưa kịp mời luật sư. Tòa bèn hoãn xử và cho người đến nhà ông tống đạt ngay một giấy triệu tập mới với nội dung vụ án sẽ xử vào hồi 13 giờ 30 cùng ngày (?!). Ông Đ. không thể có mặt. Tòa bèn ra ngay quyết định đình chỉ xử phúc thẩm với lý do “đương sự được triệu tập hợp lệ hai lần nhưng vẫn vắng mặt” (?!).

Theo Tòa Hành chính, việc đình chỉ trên là vi phạm tố tụng nghiêm trọng vì việc triệu tập đương sự lần hai của tòa không đúng, chỉ cách lúc xử hơn 2 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, tại lần triệu tập này, đương sự có xin hoãn với lý do chính đáng nhưng tòa lại phớt lờ.

Giải quyết chưa đủ yêu cầu khởi kiện

Năm 2008, ông Y. khởi kiện UBND một huyện với lý do “đã có hành vi hành chính và quyết định hành chính sai” trong việc cấp giấy đỏ cho ông. Từ đó, ông yêu cầu tòa hủy giấy đỏ để cấp lại giấy khác với diện tích mới và xác định hình thức sử dụng đất là riêng chứ không phải chung như giấy cũ.

Thụ lý rồi nhưng sau đó cho rằng vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, TAND huyện đã đình chỉ giải quyết. Quyết định đình chỉ này bị VKS huyện kháng nghị nhưng xử phúc thẩm vào đầu năm 2009, TAND tỉnh đã bác kháng nghị.

Xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, Tòa Hành chính phát hiện hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã sai sót trong việc không xem xét toàn diện yêu cầu khởi kiện của đương sự và không xác định được đối tượng khởi kiện. Bởi lẽ yêu cầu khởi kiện của ông Y. gồm hai nội dung là khởi kiện quyết định hành chính (hủy giấy đỏ) và khởi kiện hành vi hành chính của người cấp giấy đỏ. Đáng lẽ tòa sơ thẩm phải thụ lý, giải quyết vụ án với hai yêu cầu cụ thể như trên thì lại đình chỉ là sai. VKS huyện kháng nghị quyết định đình chỉ theo hướng tòa phải giải quyết là đúng nhưng tòa phúc thẩm lại bác yêu cầu khiến đương sự thiệt thòi.

Những sai sót lặt vặt khác

Tòa Hành chính còn liệt kê ra nhiều sai sót về thủ tục tố tụng khác của các tòa địa phương, phổ biến là việc xác định đối tượng khởi kiện còn nhầm lẫn giữa các chủ thể như giữa UBND và chủ tịch UBND, nhầm lẫn quyết định và thông báo của người có thẩm quyền… Ngoài ra còn sai sót khi không xác định đúng thẩm quyền giải quyết đối với việc từ chối công chứng chứng thực, HĐXX không từ chối tiến hành xét xử vụ án trong trường hợp đã từng tham gia xét xử sơ, phúc thẩm vụ án đó một lần…

Phối hợp với cơ quan chuyên ngành

Tôi nghĩ để nâng chất việc giải quyết các vụ án hành chính thì việc tích cực trao đổi nghiệp vụ qua lại giữa các thẩm phán với nhau là rất cần thiết. Ngành tòa án cần nhiều buổi tập huấn để rút kinh nghiệm xét xử cho thẩm phán, cần liệt kê những vụ án có sai sót để kịp thời rút kinh nghiệm và tháo gỡ vướng mắc. Cạnh đó, tòa án các địa phương phải phối hợp chặt với các cấp ủy đảng, nhất là các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan đến những vụ án hành chính thường gặp như đất đai, thuế, quản lý thị trường… Khi phát hiện các văn bản pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo nhau thì các tòa phải kịp thời tham mưu cho ngành tòa án.

Ông NGUYỄN CHÂU HOAN,  Trưởng phòng Nghiệp vụ Tòa Hành chính TAND Tối cao

Không phải loại án khó xử

Theo tôi, án hành chính không phải là loại án khó xử như xưa nay chúng ta vẫn quan niệm. Nếu thẩm phán biết vận dụng pháp luật kết hợp với kỹ năng xét xử phù hợp thì sẽ rất dễ bởi kiến thức trình độ pháp luật chỉ chiếm 50% thành công của việc xử án. Cái khó của án hành chính là mối quan hệ giữa thẩm phán và chính quyền địa phương vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc bổ nhiệm của thẩm phán. Hạn chế này sẽ được giải quyết một phần nếu mô hình tòa sơ thẩm khu vực đi vào hoạt động. Khi ấy thẩm phán cấp quận, huyện phần nào sẽ thoát khỏi quản lý về địa hạt, làm cho quá trình giải quyết án khách quan hơn.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

SONG NGUYỄN - DƯƠNG HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm