Sẽ làm rõ trách nhiệm của nhà phân phối bút bi

Theo kết quả tiến độ điều tra trong ba ngày (từ ngày 1 đến 3-4) của Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương (Ban chỉ đạo), cả nước đã điều tra được 3,72 triệu hộ dân, khoảng 14,6 triệu nhân khẩu thường trú và 59.000 nhân khẩu đặc thù (sinh viên sống trong ký túc xá, bệnh nhân sống trong các trại phong, người sống trong chùa, lang thang cơ nhỡ...).

Cũng theo thống kê, Sơn La là tỉnh dẫn đầu về tổng số hộ điều tra 29%; Đồng Nai hoàn thành 24,5%; Dak Nông: 23,4%; Long An: 19,1%; TP.HCM: 14,9%...

Ông Đồng Bá Hướng, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo, cho biết hôm nay (7-4), ông sẽ có báo cáo lên Ban chỉ đạo để có tổng hợp trình Chính phủ về kết quả tổng hợp trong ba ngày điều tra của 63 tỉnh, thành.

Cũng theo ông Hướng, bản báo cáo sẽ đề cập đến việc kiểm điểm Công ty Phương Nam - đơn vị trúng thầu cho việc cung cấp bút bi cho công tác điều tra nhưng không đảm bảo chất lượng. Kết thúc thời gian điều tra, Ban chỉ đạo sẽ xem xét lại trách nhiệm của đơn vị đã kiểm định chất lượng trúng thầu của Công ty Phương Nam. Ông Hướng cho biết ngay khi có phản ánh của Ban chỉ đạo về chất lượng bút viết, lãnh đạo công ty này chỉ nói lời “xin lỗi” và hứa sẽ sớm khắc phục hậu quả.

Hôm qua (6-4), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Dư Quang Nam - Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM cho biết toàn bộ bút bi của hơn 18 ngàn điều tra viên trong chương trình tổng điều tra dân số và nhà ở đã được đổi thành loại bút bi mực đen thông dụng. Sở dĩ có thay đổi trên vì loại bút bi chuyên dụng chất lượng không tốt, hay tắc mực... gây khó khăn cho quá trình điều tra. Ông Nam cho biết thêm, dù phiếu điều tra được sử dụng công nghệ quét nhưng sẽ không có ảnh hưởng nào khi dùng bút bi mực đen thông thường.

Được biết, đến thời điểm cuộc họp giao ban báo cáo tiến độ lần một (ngày 4-4), các điều tra viên TP.HCM đã điều tra được gần 1,1 triệu người, chiếm 14,9% khối lượng công việc. Phí hỗ trợ điều tra viên cũng được TP tăng lên 65.000 đồng/người/ngày đối với điều tra viên quận, huyện (thêm 10.000 đồng so với mức phí của trung ương chi) và 49.000 đồng/người/ngày đối với điều tra viên phường, xã.

Chuyện bi hài từ đường dây nóng

Từ khi có đường dây nóng chuyên tiếp nhận thông tin của người dân về điều tra dân số và nhà ở, cán bộ trực điện thoại liên tục tiếp nhận được thông tin từ người dân phản ánh về tình trạng “có nhiều nhà của một số cán bộ địa phương” hay “Tôi đang không có nhà để ở. Sau khi điều tra này kết thúc, liệu tôi có nhà hay không?”.

Rồi có người nhìn thấy băng rôn ghi “Từ ngày 1-4 sẽ tiến hành tổng điều tra dân số và nhà ở trên toàn quốc” nhưng đến bốn ngày vẫn không thấy cán bộ điều tra đến hỏi. Thắc mắc, họ bèn gọi đến đường dây nóng nói trong lo lắng: “Tôi lo quá, tại sao đến giờ này vẫn không có ai đến hỏi tôi vậy?”.

TỐ NHƯ - THANH NHÃ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm