Điều này cho thấy người dùng không chỉ quan tâm đến yếu tố chất lượng và sự an toàn của thực phẩm mà còn thể hiện được xu hướng tiêu dùng xanh - sạch ngày càng trở nên phổ biến.
An toàn, minh bạch gắn với phát triển bền vững
Xu hướng tiêu dùng xanh – sạch ngày càng trở nên phổ biến
Chất lượng cuộc sống và nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao đã kéo theo sự thay đổi của xu hướng tiêu dùng. Trong đó, các sản phẩm xanh - sạch, chất lượng và tốt cho sức khỏe ngày càng được người dùng ưa chuộng dù giá thành cao hơn gấp nhiều lần so với các sản phẩm cùng loại. Thậm chí, có nhiều sản phẩm không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân như rau sạch, trái cây sạch, thịt sạch, đường sạch... Đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng để doanh nghiệp khai phá và phát triển. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ có thể phát triển bền vững khi đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng cũng như sự an toàn của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Đặc biệt khi hội nhập quốc tế, đòi hỏi doanh nghiệp phải minh bạch hóa các loại sản phẩm với những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và sự an toàn trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Đường là một trong những sản phẩm đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức khi các hiệp định thương mại TPP hay AEC có hiệu lực. Đây là áp lực không nhỏ nhưng bắt buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để phát triển bền vững cũng như phù hợp với xu thế tiêu dùng chung của thế giới.
Liên kết để tạo ra chuỗi sản phẩm xanh - sạch
Trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng cần có sự liên kết chặt chẽ của nhiều bên khác nhau. Trong đó, người nông dân đóng vai trò quan trọng vì đó là “tuyến đầu tiên” của quá trình sản xuất. Việc liên kết, hợp tác này không chỉ cho ra những sản phẩm xanh - sạch, chất lượng mà còn gia tăng hiệu quả kinh tế, mang lại lợi nhuận cho người nông dân.
Điển hình như các công ty ngành đường thuộc Tập đoàn TTC như: Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS), Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (BHS) đã thực hiện nhiều dự án liên kết với người nông dân trồng mía với phương châm “Nông dân có lời, nhà máy có lãi”. Theo đó, TTCS và BHS tiến hành tập trung quy hoạch thành những cánh đồng mẫu mía lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến trong cơ giới hóa sản xuất cho đến cung cấp các loại giống mía cho năng suất cao, chữ đường lớn nhằm hỗ trợ người nông dân tiếp cận phương thức sản xuất mới mang lại hiệu quả cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn. Qua đó, công ty cũng chủ động nguồn nguyên liệu tự nhiên, sản xuất ra các sản phẩm an toàn, chất lượng và chủ động hội nhập quốc tế.
Trong bài phát biểu mới đây tại chương trình “Trách nhiệm của chúng ta là làm giàu cho nông dân”, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC đã nói: “Định hướng chiến lược của TTC là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, cải thiện đời sống người lao động tại địa phương và nâng cao năng lực cạnh tranh cho mía đường Việt Nam thông qua những sản phẩm đường chất lượng, xanh - sạch, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường quốc tế”. Với chiến lược này, ông kỳ vọng không chỉ mang lại lợi nhuận cho người nông dân trồng mía mà còn từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường trong thời kỳ hội nhập.
Ngoài việc liên kết hợp tác này, TTC còn triển khai thành công chương trình phòng vệ thực phẩm - một hệ thống phòng vệ mà các doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động ứng dụng xuyên suốt quá trình chế biến, sản xuất để hạn chế tối đa các tác động vào thực phẩm nếu có bằng cách sử dụng hóa chất, tác nhân sinh học hoặc chất có hại khác một cách cố ý. Hệ thống này đã và đang được TTC triển khai từ cuối năm 2015 nhằm phổ biến rộng rãi đến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Tây Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Lạt, Gia Lai, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng… Từ đó, giúp các doanh nghiệp tăng cường thêm các giải pháp bảo đảm chất lượng cũng như an toàn cho các dòng sản phẩm, hướng đến chiến lược phát triển và mở rộng thị trường khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.