“Mỗi lần xách giỏ đi chợ tôi rất lo mua nhầm rau, thịt, cá chứa chất cấm hoặc tồn dư thuốc trừ sâu vượt mức. Chưa bao giờ các bà nội trợ khổ sở với chuyện ăn uống như hiện nay” - bà Nguyễn Thị Mai (52 tuổi, ở TP.HCM) than.
Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM kiểm tra nguồn gốc rau củ bán trong chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: TRẦN NGỌC
Nỗi lo thực phẩm chứa chất cấm
Nỗi lo lắng của bà Mai không phải không có căn cứ. Báo cáo mới nhất của Chi cục Thú y TP.HCM cho thấy trong ba tháng đầu năm 2016, khi lấy 970 mẫu nước tiểu của 451 lô heo từ các tỉnh đưa vào TP.HCM giết mổ để phân tích tồn dư chất cấm, kết quả cho thấy 117 mẫu của 37 lô heo dương tính với chất cấm. Chi cục lưu giữ 37 lô heo nói trên tại cơ sở giết mổ, chờ có kết quả âm tính với chất cấm mới cho phép giết mổ. Chi cục cũng phạt các trường hợp sai phạm tổng cộng 395 triệu đồng.
Chưa hết, Sở NN&PTNT TP.HCM vừa công bố số liệu: “Kết quả phân tích trong ba tháng đầu năm 2016 cho thấy 41/143 mẫu (gần 29%) thủy sản kinh doanh tại TP.HCM chứa dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm. Riêng lĩnh vực rau, củ quả, cùng thời gian trên Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM kiểm định và ghi nhận 3/166 mẫu (gần 2%) chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép”. “Nếu không tăng cường kiểm tra và giám sát, thực trạng rau, thịt, cá nhiễm chất cấm hoặc tồn dư vượt mức thuốc bảo vệ thực vật sẽ còn xảy ra” - ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, nêu quan điểm.
Ăn nhà hàng cũng không ngon
Phản ánh với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Trần Minh (48 tuổi, ở TP.HCM) cho biết tuần rồi đi dự đám cưới con người bạn được tổ chức tại một nhà hàng trên địa bàn quận 3 (TP.HCM). “Không chỉ tôi, một số khách mời ngồi cùng bàn nhăn mặt khi phát hiện chén ăn có mùi hôi. Chúng tôi phản ánh, quản lý nhà hàng xin lỗi rối rít. Vì không muốn làm ảnh hưởng ngày vui của con, người bạn tôi cho qua. Tôi thực sự lo ngại quy trình chế biến thức ăn của nhà hàng, liệu có an toàn không!” - ông Minh phân vân.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM, cho biết Chi cục luôn kiểm tra hoạt động kinh doanh tại các nhà hàng và đã phạt nhiều trường hợp sai phạm.
Trong tháng 3-2016, Chi cục ATVSTP TP.HCM phạt nhà hàng Ngọc Thạch thuộc chi nhánh Công ty TNHH MTV Tân Châu Triều (38 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3) trên 24 triệu đồng do vi phạm các điều kiện ATVSTP. Cụ thể, nhà hàng sử dụng giấy xác nhận đủ sức khỏe đã quá thời hạn, không bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất và kinh doanh. Chưa hết, nhà hàng cũng không có dụng cụ bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; không lưu giữ mẫu thức ăn; không có đủ thiết bị, biện pháp phòng, chống côn trùng và động vật gây hại theo quy định. Điều đáng nói là nhà hàng này sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết thời hạn.
Cũng trong tháng 3-2016, Chi cục ATVSTP TP.HCM phát hiện Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Việt Nam (313 Nguyễn Tri Phương, phường 5, quận 10, TP.HCM) đã sử dụng nguyên liệu hết hạn, không bảo đảm an toàn để chế biến thực phẩm. Với hành vi sai phạm nói trên, Chi cục ATVSTP TP.HCM phạt đơn vị này 4 triệu đồng.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho hay kết quả giám sát ba tháng đầu năm 2016 cho thấy thủy sản nuôi trồng trên phạm vi cả nước chứa tồn dư hóa chất và kháng sinh cấm giảm so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, tỉ lệ vi phạm vẫn ở mức cao. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, cho rằng thực trạng sử dụng chất cấm trong nuôi heo diễn ra với tần suất ngày càng cao vì lợi nhuận mang lại quá nhiều. |
Đơn vị tài trợ:
Chi nhánh Công ty TNHH TM-DV Chăn nuôi nông nghiệp Việt Úc