Kiểm tra cơ sở và làm việc với các cơ quan chức năng của phường Nam Lý, ông Liêm khẳng định đây là cơ sở không có giấy phép thành lập. Địa phương đã cho cơ sở này tồn tại từ tháng 8-2014.
Đè, trói vì trẻ biếng ăn
Trước đó, chị Đinh Thị Thúy Hằng, phụ huynh cháu CHPL, thấy con trai về nhà thường hay khóc và xuất hiện nhiều vết bầm tím trên người. Ngày 5-10, chị Hằng đến cơ sở Sơn Ca và thấy trên camera giám sát của cơ sở này con mình bị cô nuôi dạy trẻ dùng thìa đánh vào chân, tay. Chị đẩy cửa vào phòng thì phát hiện ba cô giáo đang đè, ấn con chị xuống nền nhà trong tư thế nằm úp. Hai tay cháu bị bẻ ngoặt ra sau, hai chân bị cột bằng khăn, miệng bị nhét giẻ. Mẹ cháu lao vào giải cứu thì bị các cô đẩy ra, sau đó những người này tháo dây buộc tay chân và lôi giẻ ở miệng cháu ra.
Chị Hằng đã báo vụ việc đến Công an phường Nam Lý. Sáng 6-10, cơ quan Công an phường Nam Lý đã mời gia đình cháu L. và các cô giáo đến trụ sở công an lấy lời khai phục vụ quá trình điều tra. Ba cô giáo Lê Thị Hoài Linh, Nguyễn Thị Tú Anh và Lê Thị Thu Hà đã thừa nhận hành vi bạo hành bằng cách trói tay chân, nhét giẻ vào mồm cháu L. vì cháu L. biếng ăn và không chịu ngủ trưa.
Cháu L. bị trói tay chân. Ảnh: MINH QUÊ
Cơ sở nuôi dạy trẻ Sơn Ca bị đóng cửa trưa 6-10. Ảnh: MINH QUÊ
Phường Nam Lý cho thành lập
Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Tuế, Chủ tịch UBND phường Nam Lý, cho biết cơ sở giữ trẻ Sơn Ca được thành lập từ tháng 8-2014. Do các cơ sở mầm non trên địa bàn phường chỉ nuôi giữ 800-900 cháu, không đáp ứng nhu cầu giữ trẻ trên địa bàn nên phường cho phép bảy cơ sở nuôi giữ trẻ khác hoạt động. Ông Tuế cũng cho hay cơ sở Sơn Ca giữ 49-50 cháu. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì số cháu được gửi tại đây vượt gấp đôi con số ông Tuế báo. Ông Tuế nói cơ sở Sơn Ca được giao cho Trường Mầm non Nam Lý quản lý về chuyên môn, phường chỉ quản lý về mặt nhà nước.
Được biết cơ sở giữ trẻ Sơn Ca trước đây là một nhà kho hai tầng bỏ hoang được bà Trần Thị Thúy Hằng, chủ cơ sở Sơn Ca, thuê lại và sửa chữa đôi chút. Diện tích phòng giữ các cháu thiết kế không đúng quy cách của trường mầm non. Các phòng bị ngăn thành những ô nhỏ, chật chội, nóng bức dù có trang bị quạt.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.
Có thể phạt tới ba năm tù Theo quy định tại Điều 26 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004: Gia đình, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em… Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Tùy theo mức độ xảy ra, hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử phạt vi phạm hành chính, theo Điều 27 Nghị định số 144/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em), người nào có một trong các hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân…; gây tổn thương về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần… có thể bị phạt tiền 5-10 triệu đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng như buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em… Về trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điều 110 BLHS năm 1999, được sửa đổi năm 2009 thì người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác. Trong đó, nếu người bị hành hạ là người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật thì người phạm tội sẽ bị truy cứu theo điểm a khoản 2 điều này với hình phạt là phạt tù từ một năm đến ba năm. Trong trường hợp người phạm tội còn có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự trẻ em thì còn có thể bị truy cứu về tội làm nhục người khác với hình phạt là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm theo quy định tại Điều 121 BLHS 1999, được sửa đổi năm 2009. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Cơ sở mầm non Sơn Ca hoạt động không phép Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình Trần Thị Hương trong công văn báo cáo Bộ GD&ĐT ngày 6-10. Bà Hương cũng thừa nhận có sự việc ba cô giáo trói tay chân, nhét giẻ vào mồm và đánh đập trẻ ngay tại lớp học như phản ánh. Trước sự việc trên, giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu cơ sở này dừng ngay mọi hoạt động trái phép và thông báo cho phụ huynh đón cháu về ngay cuối buổi sáng 6-10. Riêng chủ cơ sở và các giáo viên vi phạm, đề nghị các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Hiện tại, cả ba cô giáo đang được tạm giữ tại trụ sở công an để phục vụ công tác điều tra. H.HÀ |