Ba phương án giải quyết BOT Cai Lậy

“Trường hợp ở Cai Lậy, lý do làm tuyến tránh là bài toán kinh tế. Nếu chỉ cải tạo QL1 qua khu dân cư thì chi phí giải phóng mặt bằng cao, không giải quyết được vấn đề mật độ phương tiện quá cao đi qua đô thị gây ùn tắc. Còn làm tuyến tránh thì vừa đáp ứng nhu cầu giao thông hiện tại, tương lai, vừa thúc đẩy đô thị hóa. Vì vậy dự án ở đây là nâng cấp mặt đường hiện hữu cả trong và ngoài thị xã, đồng thời mở thêm tuyến tránh. Vậy nên thu phí là cho tất cả khoản đầu tư đó chứ không phải chỉ để hoàn vốn đầu tư tuyến tránh”. Ngày 5-12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông giải thích lý do chọn vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy trên QL1 như trên.

Không ủng hộ mua lại trạm BOT

. Phóng viên: Hôm 4-12, Thường trực Chính phủ đã họp, bàn giải quyết điểm nóng BOT Cai Lậy. Bộ đã có giải pháp đề xuất gì?

+ Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Bộ đã xây dựng ba phương án cho trạm BOT Cai Lậy. Một là giữ nguyên vị trí trạm thu phí thì cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân. Hai là di dời trạm thu phí về tuyến tránh, tức phá phương án tài chính. Với kịch bản này, cần tính toán, thương thảo lại với nhà đầu tư về thời gian thu phí nhưng điều này rất khó khả thi bởi thời gian thu hồi vốn không đúng theo cam kết vay vốn, có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng. Ba là đặt hai trạm thu phí trên đường cũ và cả trên đường mới.

Ý kiến các bộ, ngành còn khác nhau nhưng nhìn chung không ai ủng hộ việc Nhà nước mua lại các dự án BOT. Nếu Nhà nước mua lại trạm Cai Lậy thì phải bỏ ra 1.398 tỉ đồng và các nơi khác sẽ có ý kiến. Hơn 60 trạm BOT đã hoạt động, muốn mua lại thì ngân sách phải bỏ ra 32.000 tỉ đồng. Hậu quả còn nghiêm trọng hơn do làm xấu đi bức tranh thu hút đầu tư. Cho nên tôi cho là chỉ có thể vi chỉnh, kể cả mức thu, vị trí, các giải pháp kỹ thuật…

. Đầu tư rồi thu phí theo cách như BOT Cai Lậy không phải là cá biệt. Ở các nơi khác cũng từng có phản ứng, bức xúc nhưng hóa giải được, vì sao?

+ BOT Cai Lậy đã nóng từ ba tháng trước. Trong thời gian dừng thu phí, lãnh đạo Bộ đã nhiều lần về làm việc với Tiền Giang, thậm chí dự cả các cuộc họp Thường vụ Tỉnh ủy, rồi làm việc với UBND tỉnh nhiều lần, xây dựng các phương án. Rồi cùng địa phương đi trao đổi kinh nghiệm tốt của Đồng Nai. Vậy nhưng khi thu phí trở lại như hôm rồi thì tiếp tục căng thẳng.

Trạm BOT Cai Lậy trong những ngày không thu phí. Ảnh: CTV

Báo cáo rút kinh nghiệm trước Thủ tướng hôm 4-12, tất cả đều thấy là sự vào cuộc của địa phương chưa cao. Vì các trạm BOT khác như Bến Thủy, Đồng Nai, Hòa Bình sau khi điều chỉnh miễn, giảm giá phí cho người dân khu vực lân cận và phương tiện hoạt động nhiều, qua thời gian kiên trì vận động thì tất cả đều ổn định.

Đẩy mạnh tuyên truyền BOT, PPP

. Quốc hội đã ra nghị quyết yêu cầu không đầu tư BOT cho tuyến độc đạo nữa. Vậy đối chiếu lại với các dự án cũ, trong đó có BOT Cai Lậy thì thế nào, thưa Thứ trưởng?

+ Thực ra từ tháng 6-2016, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng từ nay không đầu tư cải tạo, mở rộng mặt đường hiện hữu bằng hình thức BOT nữa. Đồng thời Bộ đã rút khỏi kế hoạch một số dự án như vậy, chẳng hạn như QL30 ở Đồng Tháp, QL62 từ Gia Lai đi biên giới Campuchia… Với những dự án BOT đã hoàn thành, đang thu phí thì cũng có ý kiến phải làm lại theo tinh thần mới. Nhưng như vậy làm sao ổn định môi trường đầu tư, an toàn pháp lý.

Trong quá trình mời gọi PPP (hợp đồng đối tác công tư) cho các dự án của ngành giao thông, có nhà đầu tư của Pháp đến tìm hiểu xong cũng ý kiến về rủi ro pháp lý này. Rồi một số dự án BOT cao tốc cũng đang mời gọi nhà đầu tư nước ngoài vào, nhượng quyền khai thác để lấy vốn làm con đường khác. Nếu cứ hồi tố, xét đi xét lại như vậy thì khó kêu gọi đầu tư lắm.

. Từ câu chuyện Cai Lậy, theo ông cần phải giải quyết những vấn đề gì để có thể kêu gọi đầu tư đường cao tốc Bắc-Nam thành công như nghị quyết của Quốc hội vừa thông qua?

+ Đầu tiên là ta không thể kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP trên nền tảng pháp lý chưa đầy đủ, hoàn thiện như hiện nay. Tốt nhất là phải nâng cấp thành luật, tạo sự đồng thuận, nhận thức thống nhất về cơ chế, chính sách thì mới thu hút đầu tư được. Đây là vấn đề chung cho cả nền kinh tế vì không chỉ trong lĩnh vực giao thông, nhiều dịch vụ cơ bản khác như y tế, cấp thoát nước, môi trường đều cần đa dạng hình thức đầu tư, trong đó có PPP.

Tôi đề nghị các cơ quan báo chí tìm hiểu kỹ càng các vấn đề của BOT, PPP để tuyên truyền tới người dân. Ngoài ra, các địa phương nơi có dự án cần có hiểu biết, nhận thức chung về BOT để cùng vào cuộc giải quyết những vấn đề nổi lên. Chứ ngoài Cai Lậy ra, các dự án khác đều được các cơ quan trung ương, địa phương vào cuộc nhịp nhàng, giờ ổn cả.

Ông NGUYỄN VĂN THANHChủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:

Nhà nước cần bỏ ra 300 tỉ

Điều trước tiên Bộ GTVT cần làm sau chỉ đạo của Thủ tướng là đàm phán với nhà đầu tư và chọn phương án di chuyển trạm BOT Cai Lậy vào đường tránh để người dân có sự lựa chọn. Đồng thời, Nhà nước phải hoàn 300 tỉ đồng mà nhà đầu tư đã bỏ ra nâng cấp, mở rộng QL1. Sau đó Bộ GTVT chủ trì họp với bộ Tài chính, ngân hàng cho vay vốn, nhà đầu tư để tính toán lại phương án tài chính, gồm thời gian thu phí, mức thu phí… giúp nhà đầu tư thu hồi được 1.000 tỉ đồng tiền đã bỏ ra để đầu tư tuyến đường tránh.

Khi đưa trạm BOT Cai Lậy về tuyến tránh, một vấn đề cần giải quyết là phân luồng giao thông vào thị xã Cai Lậy để tránh ùn tắc và bảo vệ hạ tầng giao thông. Có thể cấm các xe có trọng tải lớn vào thị xã trong giờ cao điểm hoặc các xe tải, xe khách muốn vào trung tâm thị xã phải đăng ký…

Riêng phương án giữ nguyên trạm thu phí như hiện nay sẽ không giải quyết được vấn đề. Còn phương án đặt hai trạm thu phí, một trên QL1 để hoàn vốn 300 tỉ đồng và một đặt ở đường tránh Cai Lậy để hoàn vốn 1.000 tỉ đồng không khả thi và gây tốn kém.

VIẾT LONG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm