Xâm nhập “vùng biển chết”

Bài 3: Thách thức từ luồng nước tử thần

Trước đó, hàng chục công ty trục vớt và gần 20 nhóm thợ lặn đã đến “vùng nước chết” nhưng đều ngao ngán bỏ đi. Năm thợ lặn suýt bỏ mạng.

“Đánh bạc” giữa đại dương

Con tàu bạc tỷ vừa hạ thủy chưa được hai năm thì bị đắm. Sau khi nhận tiền bảo hiểm thân tàu, chủ tàu quyết định không tổ chức trục vớt để gỡ gạc mà giao hẳn xác tàu cho Công ty Bảo hiểm Pjico.

Dù Công ty Bảo hiểm Pjico không rao bán xác tàu nhưng hàng chục công ty, tổ chức làm nghề trục vớt đã âm thầm đến vùng biển này khảo sát. Tất cả đều ngao ngán bỏ đi. Một giám đốc cơ sở trục vớt cho biết ông không thể đánh bạc giữa đại dương với xác con tàu này vì sự rủi ro quá cao.

 Vùng biển chết trên bề mặt sóng vẫn vỗ yên ả

Gần một năm sau, nhóm thợ lặn từ đảo Phú Quý đến thám sát. Tháng 4-2007, Công ty TNHH Hải Phúc (Bình Thuận) quyết định mua lại xác tàu từ Công ty Bảo hiểm Pjico với giá chỉ vài trăm triệu đồng. Theo tính toán, nếu trục vớt thuận lợi, công ty sẽ kiểm được khoản lời bạc tỷ

Công ty TNHH Hải Phúc từng trục vớt thành công nhiều tàu thuyền bị đắm trên biển. Ông Lê Hoàng Phúc, giám đốc Hải Phúc, cho rằng tỷ lệ thành công là 90%. Lần trục vớt đầu tiên, dù đã đưa được gần nửa thân tàu trên mặt nước, nhưng do xác tàu ngập đầy bùn, cần cẩu thiếu lực nên con tàu rơi tự do về chỗ cũ.

Quyết lập kỳ tích trên biển chết

Đầu tháng 3-2008, Công ty Hải Phúc hợp đồng với nhóm thợ lặn của anh Lê Văn Tám (32 tuổi).

Theo anh Tám, nước chảy xiết khiến thợ lặn bị đẩy xa cả trăm mét, không thể bơm được phao thử tải. 5 thợ lặn lần lượt thất bại, có người suýt chết, có người bị liệt nhẹ do giảm áp.

Dù có quá nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng nhóm anh Tám vẫn quyết tâm thực hiện thử thách này vào thời điểm “tháng Ba bà già đi biển”.

Công ty Hải Phúc huy động đến hiện trường một sà lan loại lớn, một cần cẩu 120 tấn, một đầu kéo, tàu hậu cần chuyên chở máy nén khí, máy bơm hơi, máy hàn và nhiều bình ôxy cho thợ lặn. Ngoài ra, họ điều từ Cà Mau đến sáu trái phao đen, mỗi trái nặng tám tấn, có sức nâng 45 tấn/phao.

Theo kế hoạch, người ta sẽ dùng máy tời kéo các phao xuống vị trí con tàu đắm để cố định. Tiếp đó, lần lượt bơm hơi vào sáu chiếc phao để nâng xác tàu lên khoảng 1 m rồi đưa cẩu đến dìu vào bờ. Địa điểm dự kiến đưa xác tàu vào là Hòn Lan ở gần đó. Trong lòng tàu lúc đó còn có 1.000 tấn than không thể hút ra được vì khi đó dòng xoáy nước sẽ làm sập tàu ngay.

 Tàu kéo và phao nâng được đưa đến mũi Kê Gà

Anh Tám cho biết nếu trục vớt thành công xác tàu Hoàng Sơn 16  đưa vào đất liền thì đây sẽ là thương vụ lớn của Công ty Hải Phúc và là kỳ tích của nhóm thợ lặn. Việc này cũng góp phần cải thiện môi trường vùng biển trên, bởi 1.000 tấn than trong xác tàu đã gây ô nhiễm nhiều năm qua.

Phó tiến sĩ Phùng Thị Thanh Tú, người chuyên nghiên cứu về bệnh giảm áp của nghề lặn, cho biết: “Khi lặn hoặc làm việc ở không khí nén, các khí trong hỗn hợp khí hô hấp hòa tan trong máu và các mô. Khi giảm áp trở về áp suất không khí bình thường, áp suất khí ở phổi thấp hơn áp suất khí hoà tan trong các mô.

Nếu giảm áp chậm (tức trồi lên mặt nước từ từ - PV), nitơ sẽ được loại dần dần vào máu và thoát ra các phế nang. Nếu giảm áp nhanh (trồi lên mặt nước nhanh), nitơ thoát ra tại chỗ, hình thành các bọt khí ngay trong tổ chức và máu. Các bọt khí này sẽ gây tắc hay chèn ép, làm ngừng lưu thông máu, phát sinh tai biến...”.

Phương Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm