Ngày 30-9 vừa qua là thời hạn cuối cùng các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hải sản sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) phải đáp ứng được yêu cầu về chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU). Đáng tiếc là đến thời điểm trên hải sản Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được điều kiện này.
Nước đến chân vẫn… chưa nhảy
Lý giải về sự chậm trễ trên, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thừa nhận quy định về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp của EU đã được đưa ra cách đây 6-7 năm và Việt Nam cũng đã tổ chức các hoạt động liên quan đến vấn đề trên nhưng “làm không tới nơi tới chốn”.
Bên cạnh đó, nhiều DN vẫn thờ ơ, trong khi Nhà nước lại không làm chỉn chu như quản lý hệ thống tàu thuyền đánh bắt cá, truy xuất nguồn gốc, đào tạo cho các chủ tàu hiểu biết như thế nào là đánh bắt bất hợp pháp... Hệ quả là đến nay hải sản xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ các điều kiện về IUU.
Thậm chí tại hội nghị cam kết chống khai thác IUU do VASEP vừa tổ chức, mới chỉ có hơn 50 đơn vị tham gia cam kết không tham gia khai thác hải sản bất hợp pháp. Điều đó cho thấy nhiều DN vẫn chưa quan tâm tới quy định này.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Ngô Viết Hoài thì lý giải: Tàu đánh bắt của nước ta quá nhiều và phần lớn là tàu nhỏ, do vậy rất khó kiểm soát, cộng thêm chi phí trang bị hệ thống định vị trên các tàu rất lớn. Điều này khiến DN xuất khẩu bị ảnh hưởng gián tiếp vì DN chỉ thu mua lại hải sản, không quản lý được đội tàu.
“Gắn hệ thống định vị cho các tàu khai thác hải sản là trách nhiệm của chủ tàu và cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là các chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các địa phương. Nhưng khâu quản lý đội tàu lại đang rất lỏng lẻo” - ông Hoài nhấn mạnh.
Thủy hải sản Việt phải có nguồn gốc rõ ràng để tạo uy tín với thị trường nước ngoài. Ảnh: QUANG HUY
Con sâu làm rầu nồi canh
Đại diện một công ty xuất khẩu hải sản than phiền rằng nhiều DN vẫn như người ngoài cuộc vì họ nghĩ mình không xuất khẩu vào EU hoặc DN của họ nhỏ, xuất khẩu ít nên mọi việc cứ để mấy DN lớn lo.
“Thế nhưng họ không ý thức được rằng con sâu làm rầu nồi canh, nếu một DN vi phạm thì EU sẽ áp dụng chung chế tài đối với cả ngành hải sản xuất khẩu Việt Nam. Tức phía EU không chỉ đánh giá dựa trên một vài DN mà đánh giá trên cả cộng đồng gồm nhiều DN nhỏ khác. Đây là bài học đắt giá cho các DN thiếu tinh thần cộng đồng” - đại diện công ty trên bức xúc.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam gặp khó khăn do sự thờ ơ và chủ quan. Những tháng đầu năm 2017 sáu thị trường gồm Úc, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Trung Quốc, Brazil và Mexico đã yêu cầu các lô hàng tôm của Việt Nam phải xuất phát từ cơ sở an toàn dịch bệnh. Nếu không đáp ứng yêu cầu này thì từng lô phải có chứng nhận sạch bệnh đối với sản phẩm tôm chưa nấu chín. Khi bị kiểm tra từng lô hàng thì chi phí đội lên, khó cạnh tranh với đối tác các nước.
Tuy nhiên, theo Cục Thú y, đơn vị này đã nhiều lần cảnh báo về các quy định từ phía nước ngoài để phối hợp ứng phó nhưng các DN vẫn ít chú ý. Ngay như hội nghị mới đây được tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn về vấn đề này, Cục Thú y mời gần 40 DN để triển khai nhưng chỉ có… ba DN tham dự.
Trong trường hợp EU phạt thẻ vàng thì Việt Nam phải sớm thoát ra và coi đây là cơ hội lập lại trật tự, tổ chức lại sản xuất để xây dựng nghề cá có trách nhiệm. Ông VŨ VĂN TÁM, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT |
Không còn lựa chọn nào khác
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc nhấn mạnh để đáp ứng các điều kiện, quy định mà các nước nhập khẩu đưa ra đòi hỏi Nhà nước phải quyết liệt. Nhưng bản thân các DN cũng phải có trách nhiệm đồng lòng tham gia.
“Đơn cử như quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp, Nhà nước phải có luật lệ rõ ràng về hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với tàu thuyền. Hệ thống hồ sơ của DN khi xuất khẩu cũng phải ghi chú rõ ràng về truy xuất nguồn gốc. Đã đến lúc lập lại trật tự, củng cố hệ thống đánh bắt cho hoàn chỉnh hơn. Chúng ta không còn lựa chọn nào khác” - bà Sắc nói.
Ông Ngô Viết Hoài, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho hay nếu Nhà nước không có chính sách quản lý tốt đội tàu thuyền, có thể chế pháp lý rõ ràng thì xuất khẩu chịu thiệt hại lớn.
“Nhà nước cần quyết liệt như đưa các quy định về thời gian khai thác hải sản vào dự luật sửa đổi Luật Thủy sản để phù hợp với các quy định của EU và công ước quốc tế không thể cho đánh bắt 365 ngày; có quy định về mắt lưới, thiết bị đánh bắt để chống khai thác kiểu tận diệt…” - ông Hoài chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, DN phải làm theo chuỗi liên kết mới có thể đáp ứng được các quy định về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, minh bạch hoạt động từ nguồn nguyên liệu tới quá trình chế biến; thực hiện nghiêm túc quy định như không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, khai thác bằng ngư cụ bị cấm… Qua đó nhằm tạo uy tín, thương hiệu của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ảnh hưởng rất nghiêm trọng Trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản của Việt Nam (hằng năm đạt 1,9-2,2 tỉ USD), EU và Mỹ mỗi thị trường chiếm 16%-17%, tương ứng 350-400 triệu USD. Như vậy việc bị EU “phạt thẻ vàng” do vi phạm về khai thác bất hợp pháp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu hải sản sang thị trường này. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc dẫn chứng khi bị thẻ vàng lô hàng hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm tra 100%, chi phí đội lên thiệt hại DN rất lớn. Đó là chưa kể hàng hóa không đáp ứng yêu cầu sẽ bị trả về, DN tốn có thể lên tới 10.000 euro/lô hàng bị trả về. Nếu tiếp tục bị thẻ đỏ thì EU sẽ cấm nhập khẩu hải sản Việt Nam ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Bên cạnh EU, dự kiến Mỹ cũng áp dụng quy định chống đánh bắt bất hợp pháp đối với hàng hải sản Việt Nam từ ngày 1-1-2018. |