Ban đầu chỉ có sáu điểm ở gần ĐH Nguyễn Tất Thành, nhận thấy nhiều dấu hiệu tích cực nên quận 4 đã nhân rộng loại hình này trên nhiều con đường.
Đây là sự cố gắng của cơ quan chức năng nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong việc phân loại rác đầu nguồn, giảm hao sức cho công nhân vệ sinh, tái chế các loại rác hữu dụng, tiết kiệm cho xã hội. Nếu có thể tận dụng nguồn rác hữu cơ làm phân bón sẽ rất hữu ích và tiết kiệm được nguồn nguyên liệu đầu vào cho các chế phẩm sinh học an toàn.
Thùng rác phân loại còn là điều hiếm thấy ở Việt Nam trong khi ở các nước phát triển không chỉ hai mà họ còn có tới ba, bốn loại thùng rác khác nhau.
Rác hữu cơ dùng để bỏ những loại như rau, củ quả, lá cây... là những loại có thể tái chế và xử lý dễ dàng trong khi rác vô cơ là những loại phế phẩm khó phân hủy và mất nhiều thời gian để xử lý như chai lọ nhựa, thủy tinh, nylon, giấy, đồ hộp...
Hai thùng rác loại này được thiết kế bắt mắt, có ghi chú rõ ràng và hình ảnh minh họa dễ hiểu giúp người dân dễ nhận biết, từng bước hình thành thói quen tốt cho người dân.
Đáng tiếc nhiều quận khác, đặc biệt là các quận trung tâm lại chưa có thùng rác phân loại như ở quận 4. Thiết nghĩ công ty môi trường nên đồng loạt xúc tiến thực hiện kiểu thùng rác văn minh này rộng rãi ở các đô thị. Đây là bước đi tất yếu của các TP phát triển. Cái gì mới cũng khó nhưng chỉ một thời gian kết quả sẽ rất khả quan, quận 4 đã là một minh chứng.