Chỉ chúng tôi xem hàng cây chuông vàng xanh tốt, anh Nguyễn Văn Vũ, ngụ phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM nói: “Trước đây dọc tuyến đường ray xe lửa này là những bãi rác, mùi hôi nồng nặc ngày đêm. Nhiều người đem rác đến đây đổ lén đầy hai bên đường ray, có cả xác động vật. Người dân muốn ăn uống, nghỉ ngơi thì phải đóng kín cửa. Giờ thì rác thải đã được dọn sạch sẽ, hai bên đường ray lại được trồng thêm cây xanh mát mắt”.
Thoát cảnh sống chung với rác
Với anh Vũ và nhiều hộ dân khác thì đây thật sự là một công trình đầy ý nghĩa. Người dân sinh sống dọc tuyến đường sắt từ cầu Hang Trong đến Rạch Lăng đã có những đêm ngon giấc hơn, thoát khỏi cảnh sống chung với mùi hôi từ rác trong bao năm qua.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Trần Ngọc Phượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường 5, quận Gò Vấp, cho biết trước đây tuyến đường sắt từ đầu cầu Hang Trong đến Rạch Lăng do UBND phường 5 quản lý có nhiều bãi rác, gây ô nhiễm, mất mỹ quan. Chính quyền nhận thấy không chỉ phải xóa bỏ bãi rác mà còn phải cải tạo cảnh quan tuyến đường sắt trên địa bàn phường được đẹp hơn. Từ đó ý tưởng trồng cây xanh ngay trên những điểm tồn đọng rác đã ra đời.
“Từ tháng 6 đến tháng 8-2019, người dân và chính quyền phường 5 đã chung tay dọn rác, trồng cây xanh. Cứ một điểm rác được xử lý xong thì chúng tôi cho trồng cây xanh để tăng vẻ mỹ quan. Điều này đã làm tăng ý thức bảo vệ môi trường của người dân” - bà Phượng nói.
Bà Phượng cho biết thêm để có nguồn cây cho hoạt động phủ xanh đường sắt, UBND phường 5 tổ chức vận động “Mỗi đại biểu nhân dân là một cây xanh” đến 33 đại biểu HĐND của phường.
Kết quả phường đã vận động và trồng 33 cây hoa chuông vàng, xen kẽ nhiều cây xanh dọc cầu Hang Trong - Phan Văn Trị với diện tích 600 m2, chiếm 1/3 tổng chiều dài đường sắt chạy qua phường.
Người dân phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM dọn rác và trồng cây xanh dọc tuyến đường sắt. Ảnh: TP
Sân chơi này được xây nên từ bãi rác ở phường Trường Thọ. Ảnh: ĐÀO TRANG
Phường biến bãi rác thành công viên
Chị Nguyễn Thị Hoa, ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức cho biết trước đây tại đường số 2 trên địa bàn phường có một khu đất trống, có ít nhà dân ở nên người dân nơi khác mang rác đến đổ.
“Ngày qua ngày, khu đất trống trở thành bãi rác. UBND phường cũng có dọn dẹp nhiều lần nhưng không xuể” - chị Hoa chia sẻ.
517 điểm trong số 600 điểm ô nhiễm về rác thải đã được chuyển hóa. Trong đó có 65 điểm đã được chuyển hóa thành khu vực sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên. (Số liệu sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch) |
Trước thực trạng trên, UBND phường Trường Thọ đã vận động người dân, doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng, biến bãi rác này thành công viên sạch đẹp.
Bà Ngô Thị Hồng, người dân ở khu phố 7, phường Trường Thọ, cho biết: “Từ ngày bãi rác ở khu này thành công viên, rất đông người già, trẻ em đã đến đây tập thể dục, vui chơi giải trí. Tôi mong rằng UBND phường sẽ có được nhiều cách làm hay như công viên này để người dân có thêm điểm sinh hoạt chung”.
Ông Hồ Văn Phước, Chủ tịch UBND phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, cho biết trên địa bàn phường có chín điểm đen về rác, trong khi đó chưa có một điểm sinh hoạt cộng đồng nào cho người dân. Chính vì vậy, UBND phường đã quyết định xây dựng công viên trên bãi rác ở đường số 2. Ngay sau khi đưa ra kế hoạch, nhiều doanh nghiệp, người dân trên địa bàn đã ủng hộ, chung tay với phường để biến điểm đen về rác thành công viên sạch, đẹp. Cũng từ ngày có công viên, người dân có ý thức hơn trong việc vệ sinh môi trường”.
Dù bị chửi tôi vẫn quyết xóa bãi rác Gần tám tháng qua, người dân sinh sống tại khu phố 4 (đường TA 28, phường Thới An, quận 12) có niềm vui chung vì bãi rác tại khu phố nhiều năm qua giờ đây đã hóa thành công viên. Là một người dân tích cực trong công tác vận động xây dựng công viên, anh Anh Phùng Xuân Hòa (ngụ phường Thới An, quận Gò Vấp) chia sẻ: “Trước mảnh đất này là một vườn chuối, người dân nuôi gà vịt, đổ rác bừa bãi gây ô nhiễm nặng. Nhiều đối tượng xấu còn đến khu vực này để chích ma túy gây lo lắng cho người dân”. Anh Hòa cho biết ngay khi UBND phường Thới An vận động xóa bãi rác trên để làm công viên, anh hăng hái vận động các hộ dân. Thời gian đầu, việc vận động gặp khó khăn vì nhiều hộ dân vẫn giữ thói quen vứt rác bừa bãi, không chịu bàn giao đất lấn chiếm lại để xây dựng công viên. Nhiều hộ khác còn phản đối công việc của anh Hòa. “Tôi đến nhà vận động, người ta chửi và nói tôi làm việc bao đồng. Nhưng tôi nhất quyết phải thuyết phục họ để xóa bãi rác. Tôi cứ nghĩ khi công viên xây dựng xong thì mọi người sẽ không còn ngửi mùi rác hôi thối, vừa có nơi vui chơi là tôi lại thấy muốn làm ngay” - anh Hòa kể lại. Bản thân anh Hòa cũng quyên góp và vận động người dân đóng góp được gần 1 tỉ đồng để xây dựng công viên. Ông Phạm Quốc Vũ, Phó Chủ tịch phường Thới An, cho biết xóa bãi rác làm công viên là một trong những cách làm hay của UBND quận 12 trong cuộc vận động “Quận 12 văn minh, sạch đẹp”. Việc xây dựng công viên, khu vui chơi trên phần đất là các bãi rác lâu năm vừa chấm dứt tình trạng đổ rác bừa bãi, vừa góp phần tăng không gian xanh cho cộng đồng. |