Bán đảo Triều Tiên nóng với loạt động thái từ Bình Nhưỡng và cả Mỹ-Nhật-Hàn

(PLO)- Bán đảo Triều Tiên chứng kiến loạt diễn biến nóng đáng quan ngại, Hàn Quốc nói Triều Tiên vừa phóng một tên lửa đạn đạo một ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng vệ tinh do thám vào quỹ đạo, Mỹ đưa tàu sân bay đến Busan, chuẩn bị tập trận với Hàn Quốc và Nhật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bán đảo Triều Tiênchứng kiến loạt diễn biến nóng đáng quan ngại. Hàn Quốc nói Triều Tiên vừa phóng tên lửa đạn đạo, một ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng vệ tinh do thám vào quỹ đạo.

Trong khi đó, Mỹ-Nhật-Hàn có kế hoạch tập trận hàng hải chung với sự tham gia của một tàu sân bay Mỹ trong tuần này.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo

Cụ thể, ngày 22-11, quân đội Hàn Quốc cho hay Triều Tiên vừa phóng tên lửa đạn đạo chưa xác định về hướng vùng biển phía đông của nước này nhưng vụ phóng dường như thất bại, theo hãng thông tấn Yonhap.

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên phóng tên lửa từ khu vực Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng lúc 23 giờ 5 phút ngày 22-11.

JCS nói thêm rằng cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành phân tích vụ phóng.

Bán đảo Triều Tiên căng thẳng sau vụ Bình Nhưỡng phóng tên lửa mang vệ tinh do thám hôm 22-11
Bán đảo Triều Tiên căng thẳng sau vụ Bình Nhưỡng phóng vệ tinh do thám hôm 22-11. Ảnh: KCNA

Vụ phóng tên lửa đạn đạo diễn ra một ngày sau khi Triều Tiên thông báo phóng thành công vệ tinh do thám quân sự Malligyong-1 (với tên lửa đẩy Chollima-1) vào quỹ đạo sau 2 lần phóng thất bại trước đó, theo hãng thông tấn KCNA.

JCS cho biết vệ tinh do thám quân sự của Triều Tiên dường như đã đi vào quỹ đạo, song nói thêm rằng Hàn Quốc cần thêm thời gian để xác định xem vệ tinh này có hoạt động bình thường hay không.

Trong cuộc phỏng vấn với đài KBS hôm 22-11, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cũng cho biết vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên dường như thành công nhưng lưu ý đánh giá cuối cùng cần được thực hiện với quan chức Mỹ.

“Giai đoạn phân tách thứ nhất, thứ hai và thứ ba diễn ra bình thường và nhìn vào dữ liệu môi trường chuyến bay, chẳng hạn như tốc độ và độ cao của [tên lửa mang vệ tinh do thám], chúng tôi cho rằng nó đã đi vào quỹ đạo” - ông Shin nói.

Trước đó cùng ngày, KCNA đưa tin vệ tinh do thám mà Triều Tiên mới phóng đã chụp ảnh các căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam và gửi về Bình Nhưỡng. KCNA nói thêm rằng vệ tinh này sẽ chính thức bắt đầu sứ mệnh của mình vào đầu tháng 12.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc bác thông tin trên, nói rằng “ngay cả khi nó đi vào quỹ đạo bình thường, vẫn phải mất một khoảng thời gian đáng kể để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát thông thường".

Hiệp định quân sự liên Triều có nguy cơ đổ vỡ

Nhằm đáp trả vụ phóng vệ tinh do thám của Triều Tiên, phía Hàn Quốc ngày 22-11 thông báo đình chỉ một điều khoản trong thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018, trong đó kêu gọi thiết lập vùng cấm bay gần biên giới, theo Yonhap.

Bộ trưởng Shin nói rằng động thái trên nhằm dỡ bỏ những hạn chế áp đặt đối với khả năng giám sát trên không của Hàn Quốc trong khu vực. Ông cũng cảnh báo Seoul sẽ đình chỉ thêm nhiều điều khoản trong hiệp định nếu Triều Tiên tiếp tục tiến hành các hành động khiêu khích ở tiền tuyến hoặc vi phạm thỏa thuận.

Ngày 23-11, Bộ Quốc phòng Triều Tiên thông báo nước này sẽ khôi phục ngay lập tức tất cả biện pháp quân sự, vốn bị đình chỉ theo hiệp định quân sự liên Triều năm 2018.

“Chúng tôi sẽ rút lại các biện pháp quân sự bị đình chỉ nhằm ngăn chặn căng thẳng quân sự và đụng độ ở tất cả các khu vực như trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời sẽ triển khai lực lượng vũ trang mạnh mẽ và thiết bị quân sự tiên tiến ở khu vực biên giới” - theo Bộ Quốc phòng Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho biết nước này sẽ "không bị hạn chế" bởi thỏa thuận quân sự nữa và cảnh báo Hàn Quốc sẽ phải trả giá đắt cho quyết định của mình.

Tàu sân bay hạt nhân Mỹ đến Hàn Quốc, chuẩn bị tập trận với Hàn-Nhật

Ngày 22-11, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik thông báo nước này có kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận hàng hải chung với Mỹ và Nhật, với sự tham gia của tàu sân bay USS Carl Vinson, theo Yonhap.

USS Carl Vinson.jpeg
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ cập cảng Busan (Hàn Quốc) hôm 21-11. Ảnh: YONHAP

Ông Shin đưa ra thông báo trên trong lúc thăm tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, hiện đang cập cảng Busan.

Tàu USS Carl Vinson đến Hàn Quốc vào ngày 21-11 và là tàu sân bay thứ ba của Mỹ đến thăm nước này trong năm nay, sau tàu USS Nimitz đến vào tháng 3 và tàu USS Ronald Reagan vào tháng 10.

Theo đó, ông Shin cho biết Hàn Quốc sẽ tổ chức các cuộc tập trận hàng hải song phương với Mỹ cũng như các cuộc tập trận ba bên Mỹ-Nhật-Hàn nhằm củng cố tư thế phòng thủ chung và thể hiện “quyết tâm mạnh mẽ” trước các hành động khiêu khích của Triều Tiên.

Theo các nguồn tin quen thuộc, các cuộc tập trận chung dự kiến diễn ra vào 2 ngày cuối tuần này.

G7 ra tuyên bố chung lên án vụ phóng vệ tinh do thám của Triều Tiên

Ngày 22-11, ngoại trưởng các nước thuộc Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) ra tuyên bố chung lên án "mạnh mẽ nhất vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên" vì "hành động này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của khu vực”, theo hãng thông tấn Kyodo News.

“Bất kỳ vụ phóng nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, ngay cả khi nó được coi là vệ tinh trinh sát quân sự, đều cấu thành sự vi phạm rõ ràng và trắng trợn” các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Các ngoại trưởng G7 cũng bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc về khả năng chuyển giao công nghệ liên quan hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo cho Triều Tiên".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm