Ngày 22-11, Triều Tiên thông báo phóng thành công một vệ tinh do thám vào quỹ đạo và sẽ phóng thêm một số vệ tinh trong thời gian tới nhằm đảm bảo năng lực giám sát, theo hãng thông tấn KCNA.
Triều Tiên phóng thành công vệ tinh do thám
KCNA đưa tin vệ tinh trinh sát mà Triều Tiên vừa phóng có tên Malligyong-1, được phóng từ tên lửa Chollima-1 loại mới tại bãi phóng Tongchang-ri (ven biển miền tây Triều Tiên). Vụ phóng vệ tinh do thám diễn ra vào lúc 22 giờ 42 phút ngày 21-11.
“Tên lửa đẩy 'Chollima-1' bay bình thường dọc theo đường bay vạch sẵn và đưa vệ tinh trinh sát 'Malligyong-1' vào quỹ đạo chính xác vào lúc 22 giờ 54 phút 13 giây, tức 705 giây sau khi phóng” - theo KCNA.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi vụ phóng vệ tinh do thám và chúc mừng các quan chức, nhà khoa học và kỹ thuật viên, theo KCNA.
Theo KCNA, Triều Tiên khẳng định vụ phóng mới nhất là quyền "hợp pháp" của nước này nhằm tăng cường "khả năng tự vệ" và tuyên bố sẽ phóng thêm một số vệ tinh do thám "trong tương lai gần".
Mỹ và Hàn Quốc đang phân tích chi tiết về vụ phóng vệ tinh do thám nên chưa đưa ra đánh giá vụ phóng mới của Triều Tiên có thành công hay không. Một quan chức Hàn Quốc nói rằng vụ phóng của Bình Nhưỡng có thể được coi là thành công nếu "vệ tinh bay vòng quanh quỹ đạo của Trái Đất nhiều lần", theo hãng thông tấn Yonhap.
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết đang tiến hành phân tích toàn diện về các chi tiết cụ thể của vụ phóng.
Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Hiroyuki Miyazawa cho biết Nhật cũng đang phân tích liệu vụ phóng vệ tinh do thám có thành công hay không, theo hãng thông tấn Kyodo News.
Mỹ, Hàn, Nhật đồng loạt lên tiếng
Mỹ và Hàn Quốc chỉ trích động thái này của Bình Nhưỡng vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Seoul cho biết sẽ nối lại các hoạt động trinh sát và giám sát xung quanh biên giới liên Triều và tuyên bố sẽ thực hiện các bước để đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018.
Nhà Trắng cho biết Mỹ lên án "mạnh mẽ" vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, gọi đây là hành động "vi phạm trắng trợn” đối với nhiều nghị quyết của HĐBA LHQ.
JCS cam kết Seoul và Washington sẽ duy trì thế trận phòng thủ “mạnh mẽ", cho biết Hàn Quốc, Mỹ và Nhật đã triển khai trước đó các tàu khu trục Aegis gần đường bay dự kiến để cùng phát hiện và theo dõi vệ tinh của Triều Tiên cũng như chia sẻ thông tin liên quan ngay sau vụ phóng.
Về phía Nhật, nước này gửi công hàm phản đối tới Triều Tiên về vụ phóng thông qua Đại sứ quán ở Trung Quốc, theo Kyodo News.
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida gọi vụ phóng là “một tình huống nghiêm trọng, đe dọa tới sự an toàn của người dân".
“Chúng tôi phản đối gay gắt Triều Tiên và lên án vụ phóng mạnh mẽ” - ông Kishida nói và cho biết thêm rằng Nhật sẽ phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc và Mỹ để ứng phó.