Báo Pháp Luật TP.HCM: 25 năm đồng hành cùng bạn đọc

Đội ngũ những người làm báo Pháp Luật TP.HCM luôn cố gắng để tờ báo ngày càng hấp dẫn, kịp thời, chính xác và dân sinh hơn. Cạnh đó, nhiều công trình sau mặt báo hướng đến lợi ích cộng đồng xã hội đã được triển khai có hiệu quả, được đông đảo bạn đọc ghi nhận.

Nhiều chương trình sau mặt báo 

Ngày 17-9-1990: Tuần báo Pháp Luật TP.HCM đầu tiên ra mắt bạn đọc. Trước đó, tiền thân của báo là Bản tin Tư pháp TP.HCM ra đời từ tháng 5-1982.

Đổi khổ: Tháng 7-1997, báo tăng khổ từ tuần báo khổ nhỏ 21 x 29 cm lên 29 x 42 cm, phát hành mỗi tuần một kỳ.

Tăng kỳ: Từ tháng 3-2002, mỗi tuần hai kỳ; từ tháng 9-2007, mỗi tuần bảy kỳ.

Ra đời trang tin điện tử: Ngày 25-10-2007, Cục Báo chí - Bộ TT&TT cấp giấy phép cho báo Pháp Luật TP.HCM thiết lập trang tin điện tử tại địa chỉ www.phapluattp.com.vn, sau là www.phapluattp.vn.

Đẩy mạnh hoạt động của PLO năm 2014: Được cấp giấy phép hoạt động báo điện tử từ 31-3-2014 và ngày càng khẳng định là một tờ báo mạnh về thời sự, chuyên sâu về pháp lý.

Chương trình cung cấp văn bản pháp luật miễn phí ra đời từ tháng 9-1998, đến cuối năm 2011 đã cung cấp miễn phí hơn năm triệu trang văn bản pháp luật cho hàng trăm người dân. Chương trình được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là đơn vị cung cấp văn bản pháp luật bằng giấy cho người dân nhiều nhất.

Khánh thành trường tiểu học ở đảo Sinh Tồn năm 2014. Ảnh: THANH MẬN

Buổi giao lưu và trao giải À Ra Thế tháng 9-2015. Ảnh: HTD

Chương trình “Đố vui pháp luật” ra đời từ tháng 7-1997 đến tháng 8-2005 thì phát triển thành thi đố pháp luật “À Ra Thế”. Các cuộc thi đã thu hút hàng ngàn bạn đọc tham gia mỗi kỳ và tạo được nhiều tiếng tăm, khí thế đến mức báo tổ chức đem cả “gánh hát” đến các tỉnh diễn “phiên tòa giả định”, liên hoan “À Ra Thế”, có truyền hình thu phát sóng rộng rãi. Chương trình được giải A giải Báo chí do Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức.

Chương trình Trợ giúp pháp lý miễn phí hoạt động từ tháng 3-2004, quy tụ hơn 70 luật sư, chuyên gia pháp luật, cán bộ các sở, ngành tham gia tư vấn trên nhiều lĩnh vực cho hàng chục ngàn trường hợp là người dân, doanh nhân, Việt kiều, người nước ngoài. chương trình còn nhận bảo vệ quyền lợi cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn tại tòa.

Chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”. Trong chương trình này, báo đã phối hợp với Quỹ học bổng Vừ A Dính vận động xây dựng hai trường tiểu học tại đảo Trường Sa và đảo
Sinh Tồn. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đồng bào trong và ngoài nước, đóng góp ủng hộ gần 40 tỉ đồng cho việc xây dựng hai ngôi trường trên và chăm lo cho con, em cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa.

Giải thưởng Fair play (Bóng đá cao thượng) do báo khởi xướng và tổ chức từ năm 2012 nhằm tôn vinh những cầu thủ, thành viên đội bóng, cổ động viên có những hành động đẹp trong bóng đá. Qua bốn năm tổ chức, giải thưởng đã nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan quản lý nhà nước về thể thao, các ngành, các đội bóng, đông đảo người hâm mộ và giới truyền thông cả nước.

Câu chuyện từ ba cựu Tổng biên tập

Những ngày đầu “khó trăm bề”

Báo Pháp Luật TP.HCM: 25 năm đồng hành cùng bạn đọc ảnh 3
 
Khi bắt tay vào cuộc, chúng tôi xác định đây là tờ báo chuyên về pháp luật, không thể để sa đà vào những mảng miếng khác. Vậy nên cần một người cầm trịch về pháp luật, tôi còn phải cầm trịch về báo. Một mình tôi làm hết mọi việc thượng vàng hạ cám từ lên bài, phân bài, duyệt bài, maket, tin bài, in ấn…

Đó là thời kỳ xóa bao cấp, báo chí bị thảy ra thương trường. Làm ra được bao nhiêu nộp về bấy nhiêu, lại thêm thuế… nên rất khó khăn. Tôi phải lặn lội ra Bộ Tư pháp xin trích ngân sách mua một bộ máy vi tính về cho báo sử dụng.

Có những BTV, PV của báo rất khó khăn, có người ở rất xa, tỉnh lẻ từ Bình Dương, Bình Phước, Hải Phòng… tôi cũng phải cố để xin về. Nhưng may mắn anh em đều là người tốt, họ thấy chính bản thân tôi cũng lăn lộn, chân đất áo vải, vượt khó cùng họ nên họ yên tâm ở lại và phấn đấu dù lương, nhuận bút rất thấp. Toàn bộ đội ngũ phải rất nỗ lực không ngừng nghỉ để giữ tờ báo mạnh, sạch, không để một điều tiếng gì trong thời kỳ khó khăn mọi bề.

NGUYỄN TÚY HẠT, Tổng Biên tập báo
Pháp Luật TP.HCM giai đoạn 1995-1996

Bài học quy tụ nhân tài

Báo Pháp Luật TP.HCM: 25 năm đồng hành cùng bạn đọc ảnh 4
 
Trong những bước đi lên của tờ báo, vấn đề là quy tụ và phát huy nhân tài. Nghĩa là nhìn thấy khả năng của một người nổi trội rồi sử dụng, hai là quy tụ người về, rèn luyện rồi phát huy họ. PV Bảo Trâm vốn là nhân viên phòng bạn đọc, tôi phát hiện cô có kiến thức luật rất tốt, trẻ, xông xáo. Tôi giao cho Trâm một số phóng sự điều tra và sau này cô ấy trở thành một trong những cây bút chủ lực. Hoặc Đức Hiển, khi đó mới ra trường, tôi tạo môi trường rèn luyện, đôi khi khá gay gắt và nghiêm khắc để Hiển nhìn ra những nhược điểm, Hiển chịu sửa đổi và bây giờ đã trở thành tổng thư ký tòa soạn…

Có người hỏi: Báo mình nghèo quá, làm sao giữ chân được nhân tài? Người tài tất nhiên cần được đãi ngộ ở mức độ nào đó nhưng tiền bạc không phải là tất cả. Họ cần được phát hiện và phát triển năng lực với những người tử tế, được làm công việc và cảm thấy đó là việc lý tưởng, tốt đẹp, một môi trường lao động dân chủ, công khai, lành mạnh. Tất nhiên nghèo quá cũng khó nhưng không phải báo giàu thì mới giữ được người tài.

NAM ĐỒNG, Tổng Biên tập báo
Pháp Luật TP.HCM 1996-2008

Đổi mới và giữ bản sắc

Báo Pháp Luật TP.HCM: 25 năm đồng hành cùng bạn đọc ảnh 5
 
Điều tôi tâm đắc nhất là tờ báo luôn luôn đổi mới và xác định được vị trí của mình trong làng báo cả nước. Từ năm 2010 chúng ta đã có một cuộc đổi mới toàn diện về nội dung và hình thức nhưng kiên định giữ vững bản sắc đậm chất pháp luật. Nghĩa là thay đổi không phải đi lệch mà là phát triển tiếp nối truyền thống sẵn có khiến anh em hiểu được yếu tố sống còn của tờ báo phải bám chắc những tôn chỉ mà các thế hệ của tờ báo đã gầy dựng lên. Tôi nghĩ trước đây tờ báo đứng được trong lòng bạn đọc cũng là vì chúng ta có những cây bút, bài viết đi vào lĩnh vực thi hành pháp luật nổi trội, đáng tin cậy.

Bản sắc riêng của tờ báo là tính chất pháp luật. Không phải bàn pháp luật “chay” mà là pháp luật đụng chạm đến đời sống, người dân. Hợp thức hóa căn nhà, đổi chủ một chiếc xe… đều liên quan pháp luật. Làm sao để từng vụ việc như vậy khi đưa được lên mặt báo thì sẽ tháo gỡ cho không chỉ một người mà cho rất nhiều người. Điều đó vừa là pháp luật vừa là đời sống, nếu chúng ta thực hiện được thì chúng ta sẽ giữ được bạn đọc.

PHẠM PHÚ TÂM, Tổng Biên tập báo
Pháp Luật TP.HCM 2009-2014

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm