Gấp rút triển khai phân loại rác từ nguồn

Việc triển khai Quyết định 44/2018 của TP.HCM về  phân loại chất thải rắn tại nguồn đang nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân và UBND các quận, huyện.

Thời hạn phải thực hiện là ngày 24-11 đã gần kề nhưng nhiều người dân vẫn chưa phân biệt được các loại rác thải hữu cơ, vô cơ. Đáng nói hơn là ý thức về vấn đề này trong cộng đồng vẫn còn thấp. Chính vì vậy, những ngày qua, UBND các phường, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định mới để người dân cùng thực hiện.

Không thể chậm trễ hơn

Anh Vũ Giang (ngụ phường 4, quận Tân Bình) chia sẻ: “Tôi có nghe trên báo, đài nói sắp tới TP.HCM yêu cầu người dân phải phân loại rác tại nhà nhưng thực ra đến giờ chúng tôi vẫn chưa biết thế nào là rác hữu cơ, rác vô cơ, rồi xử lý thế nào mới đúng. Ngày 24 triển khai rồi, tôi nghĩ địa phương phải nhanh chóng phổ biến để người dân làm đúng, không bị phạt”.

Nhiều ý kiến nhận định việc phân loại rác đã được các nước thực hiện từ lâu, đã đến lúc Việt Nam cần học tập. Tuy nhiên, phải có lộ trình để người dân hiểu rõ rồi mới thực hiện đồng bộ được. Trước mắt, Quyết định 44/2018 của UBND TP đã nêu định hướng rất rõ ràng để các địa phương triển khai theo.

“Đây là việc rất hữu ích cho môi trường sống của chúng ta, tôi nghĩ không thể chậm trễ hơn. Không chỉ chính quyền nỗ lực mà mỗi người dân cũng nên cố gắng một chút, khi thành thói quen việc phân loại sẽ đơn giản thôi” - chị Minh Hằng (ngụ phường 7, quận 8) nói.

Theo bà Lê Thị Yến (Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 4, quận Tân Bình): “Phường chúng tôi đã thực hiện thí điểm phân loại rác tại hẻm 33 đường Trường Sơn và người dân đều rất ủng hộ. Vướng mắc ở chỗ là rác vô cơ không được đơn vị thu gom tiếp nhận nên người dân đành giữ lại trong nhà. Sau đó, Hội Phụ nữ phường mới gom lại và gửi lên Hội Phụ nữ quận. Phường cũng không biết phải hướng dẫn người dân như thế nào về nơi tiếp nhận loại rác này”.

Người dân phải phân loại rác thải ngay từ khi bỏ rác vào thùng. Ảnh: HẢI LONG

Đang đẩy mạnh triển khai

Ông Nguyễn Trung Sơn, Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình, cho biết đã triển khai kế hoạch này đến người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, do thời gian quá gấp nên phường 4 chú trọng hướng dẫn người dân biết cách phân loại, dán nhãn phân biệt rác trước.

“Vận động làm thay đổi nhận thức người dân là bước đầu tiên và quan trọng nhất để thực hiện kế hoạch này. Cần có thời gian, vừa tuyên truyền vừa làm để có kinh nghiệm thì mới hiệu quả” - ông Sơn nói.

Tương tự, ông Phạm Văn Thêm, Phó Chủ tịch phường Cầu Kho, quận 1, cho biết phường đang triển khai tập huấn cho người dân cách phân loại rác cho đúng. Sau đó phường mới tiếp nhận các nhãn dán phân loại rồi phát lại cho người dân để thực hiện.

Theo ông Thêm, người dân chỉ cần bỏ rác vào hai thùng, có dán dấu hiệu nhận biết để đơn vị thu gom tiện lấy rác, khuyến khích sử dụng bao nylon chứa rác hai màu khác nhau cho mỗi loại. Đối với các chung cư, phường đã yêu cầu ban quản lý sử dụng hai thùng rác để người dân bỏ đúng. “Như vậy rác thải được bỏ riêng theo từng loại từ nguồn, rất thuận tiện cho công đoạn vận chuyển và xử lý” - ông Thêm tin tưởng.

Trong khi đó, phường 7 (quận 1) đã tổ chức lễ phát động thu gom và phân loại rác thải rắn tại nguồn từ một tháng trước. Bà Bùi Diễm Hằng, Phó Chủ tịch phường, chia sẻ: “Phường chủ yếu vẫn tập trung tuyên truyền là chính và triển khai ở một số địa điểm tiện lợi như các chung cư. Chúng tôi khuyến khích người dân tự trang bị hai thùng rác khác màu để phân biệt. Toàn bộ sticker phân loại rác được UBND quận cấp đã được chuyển đến cho cư dân sử dụng”.

Lãnh đạo các phường, xã tin tưởng việc triển khai đồng bộ đến người dân sẽ đem lại hiệu quả cao cho kế hoạch. Tuy nhiên, các địa phương đều đồng tình cần có thời gian để người dân quen với việc này trước khi chính thức xử phạt.

Phân loại rác như thế nào?

Các loại rác thải sẽ được phân loại theo ba nhóm:

Chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật). 

Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh).

Các chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải. Ví dụ: pin, dầu nhớt…).

Theo kế hoạch, giai đoạn 2018-2020 hộ gia đình, chủ nguồn thải được hỗ trợ nhãn dán để dán trên nắp, thân thùng rác, số lượng cấp phát bốn nhãn dán/lần/hộ gia đình, chủ nguồn thải; tần suất hai lần/năm. Sau năm 2020, hộ gia đình, chủ nguồn thải phải tự mua các nhãn dán này.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…