Ngân hàng tới tấp cảnh báo nguy cơ mất tiền dịp cuối năm

Vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu thanh toán, mua sắm trực tuyến tăng cao; số lượng chương trình khuyến mãi được tung ra cũng nhiều hơn; tâm lý cần vay tiền của người dân tăng cao... đã khiến nguy cơ bị tội phạm mạng lừa đảo, đánh cắp thông tin tài khoản của khách hàng cũng tăng cao . 

Hoa mắt với những "chiêu moi tiền" của kẻ gian

Tuần qua, Techcombank vừa xác nhận về hiện tượng kẻ gian giả mạo email Techcombank nhằm mục đích đánh cắp thông tin của người nhận.

Theo đó đối tượng lừa đảo sử dụng email có tên là “TECHCOMBANK” – để gửi đến người nhận, thông báo về việc một khách hàng khác gửi nhầm tiền đến tài khoản, đồng thời đính kèm một biểu mẫu chứa mã độc.

Khi khách hàng click vào file đính kèm, mã độc sẽ tự động được cài vào thiết bị/máy tính, từ đó có khả năng đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng.

Hay theo như thông báo mới nhấtcủa ngân hàng SCB cũng khẳng định, lợi dụng tâm lý cần vay tiền của người dân trong thời điểm cuối năm, gần đây xuất hiện một số đối tượng tự xưng là cán bộ thẩm định khoản vay và chăm sóc khách hàng của SCB, để mời chào, cung cấp các khoản vay.

Theo đó, với nhiều thủ đoạn khác nhau, các đối tượng quảng cáo trá hình trên mạng xã hội hoặc Zalo về các loại hình cho vay từ ngân hàng với thủ tục dễ dàng, giải ngân nhanh chóng. Khi người dân có nhu cầu và liên lạc, các đối tượng này mạo danh nhân viên ngân hàng để hỗ trợ và tạo lòng tin bằng cách gửi thẻ tự chế, giả mạo nhân viên thẩm định hoặc chăm sóc khách hàng của ngân hàng.

Sau đó, đối tượng hướng dẫn người dân chỉ cần chuyển thông tin CMND/hoặc CCCD và thông tin hộ khẩu qua Zalo để được phê duyệt khoản vay, chủ yếu là các hạn mức nhỏ. Đối tượng sử dụng hình ảnh giả mạo gửi cho khách hàng để chứng minh khách hàng đã được giải ngân khoản vay.

Cuối cùng, đối tượng yêu cầu người dân, để nhận được khoản vay, cần nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên vào một số tài khoản mà kẻ gian cung cấp. Sau khi nhận được tiền, đối tượng chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân.

Tại Agribank, ngân hàng này cho biết tội phạm mạng hiện lợi dụng những chương trình khuyến mại của ngân hàng vào dịp cuối năm để gửi tin nhắn SMS, tin nhắn Zalo, tin nhắn Facebook. Các tin nhắn này có chứa đường link các trang điện tử giả mạo có thông báo trúng thưởng, lấy giao diện giống với giao diện và tên chương trình của Agribank (đặc biệt các khuyến mại trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking) kèm theo một đường link yêu cầu khách hàng truy cập, đăng nhập để “lĩnh thưởng”.

Cụ thể, gần đây hàng loạt các trang điện tử giả mạo với tên miền và giao diện giống với của Agribank như: http://agribanks3.asia; http://agribanks.space, http://agribanks.edu.vn; http://agribanking.com.vn, http://agri2021.co...  

Các trang này nội dung báo khách hàng đã trúng thưởng và yêu cầu khách hàng đăng nhập các thông tin liên quan như: user và mật khẩu truy cập ứng dụng Agribank E-Mobile Banking, Internet Banking để có thể nhận được các phần quà do Agribank tặng khách hàng.

Sau khi xác nhận user/mật khẩu đăng nhập, nạn nhân nhận được thông báo để tiến hành các bước tiếp nhận, xác nhận OTP và bị trừ tiền từ tài khoản.

techcombank

Khi khai báo thông tin cá nhân liên quan đến tài khoản ngân hàng, người dân cần đặc biệt chú ý đến các giao diện web, app… để tránh bị kẻ gian khai thác cho mục đích xấu.

Đừng mất cảnh giác với túi tiền của mình

Trước hàng loạt thủ đoạn biến tướng tinh vi của tội phạm công nghệ nhằm đánh cắp tài khoản của khách hàng, các ngân hàng đều khuyến nghị để nhận biết có phải email gửi từ ngân hàng mà mình mở tài khoản thanh toán hay không, khách hàng cần kiểm tra địa chỉ email người gửi đến để kiểm tra chính xác. Đồng thời kiểm tra nội dung email, nếu thấy những dấu hiệu bất thường như lỗi chính tả, font chữ không đồng nhất, văn phong khác thường hoặc nội dung chưa từng nhận được trước đây... rất có thể đó là email giả mạo.

Bên cạnh đó, một điểm chung là tất cả các ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng xác nhận thanh toán hoặc giao dịch qua email.

Đối với các hình thức thanh toán trực tuyết, để tránh rủi ro, ngân hàng yêu cầu chủ tài khoản không nhập mật khẩu đăng nhập, mã OTP trên các trang mạng không rõ nguồn gốc, hoặc đường link không rõ nguồn gốc. Đồng thời không cung cấp thông tin bảo mật như tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mã OTP và nội dung các tin nhắn thông báo từ ngân hàng cho bất kỳ ai.

Không cung cấp thông tin, đưa thông tin giao dịch lên mạng, đặc biệt là những giao dịch online, vì sẽ tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo. Đặc biệt, người dân không thực hiện giao dịch trên các thiết bị công cộng (vì tiềm ẩn rủi ro cao) hay lưu thông tin tự động đăng nhập ngân hàng điện tử tại bất kỳ đâu.

Đối với những ai có nhu cầu vay vốn từ ngân hàng, để tránh không bị rơi vào trường hợp rủi ro như khuyến cáo của các ngân hàng, người dân cần cảnh giác với điện thoại, tin nhắn, email xưng danh nhân viên ngân hàng để tiếp thị và hướng dẫn thực hiện các khoản vay không rõ ràng. Hoặc thấy nhân viên ngân hàng yêu cầu phải chuyển khoản, thu phí mở hồ sơ, nộp tiền, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép.

Bởi quy trình vay vốn luôn được các ngân hàng thực hiện minh bạch, khách hàng cần gặp gỡ trực tiếp với ngân hàng để ký nộp hồ sơ vay vốn và trực tiếp ký hợp đồng vay vốn với ngân hàng để được giải ngân theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm