Nhiều hộ dân không có đường ra ruộng vì lối đi bị chắn

Phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Văn Khển (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) cùng nhiều hộ dân khác đang có đất canh tác trồng lúa trên cánh đồng thuộc ấp Tây cho biết có ba hộ dân chiếm dụng, rào chắn hai đầu đường đi duy nhất dẫn ra cánh đồng lúa. Vụ việc xảy ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết.

Không có đường ra ruộng

Theo đơn phản ánh của ông Khển, kênh Nước Nhĩ (đoạn từ kênh Đông N46 đến tỉnh lộ 8) là kênh có chức năng tưới tiêu nội đồng cho người dân canh tác lúa nước tại khu vực này.

Trước khi con kênh được bê tông hóa vào năm 2018 thì lối đi ra ruộng của người dân đã bị ba hộ dân là ông HVL, ông LVL và ông PVS (có phần đất sát kênh) rào chắn hai đầu đường đi ra ruộng của người dân.

Đến năm 2018, con kênh này được gia cố bê tông hóa, hai bên kênh là hành lang bảo vệ (rộng 1-2 m) chạy dọc theo tuyến kênh. Lối đi ra ruộng lúc trước đã thành hành lang bảo vệ kênh và tiếp tục bị ba hộ dân rào chắn lại như cũ. Việc rào chắn này làm các hộ dân có đất để canh tác nhưng không có đường ra ruộng để canh tác.

“Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị tới chính quyền, cơ quan chức năng tại địa phương từ năm 2009 để xử lý vụ việc rào chắn hành lang kênh này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Người dân chúng tôi không muốn lấy đất của ai để mở đường, chỉ muốn sử dụng hành lang bảo vệ kênh để làm đường đi ra ruộng làm đồng mà thôi” - ông Khển nói.

Theo ghi nhận của PV, trên tuyến kênh Nước Nhĩ, lối vào tại khu vực giao với kênh Đông N46 đã được rào chắn bằng tôn và lưới B40. Lối vào còn lại ở tỉnh lộ 8 cũng đã được rào chắn lại. Việc này dẫn đến tình trạng không có lối nào để đi từ phía ngoài vào trong. Người dân muốn ra ruộng phải đi nhờ trên đất của người khác.

Trao đổi với PV, ông S - một trong ba hộ dân bị phản ánh cho biết ông chỉ sử dụng đất thuộc quyền quản lý của mình và không lấn chiếm, chiếm dụng hành lang bảo vệ kênh.

“Hiện tại, tôi đã chừa ra khoảng 3 m hành lang bảo vệ kênh và nếu chính quyền địa phương có mở đường đi cho các hộ dân ra ruộng thì phải bồi thường phần đất mà tôi đã để làm đường. Còn về phần rào chắn thì đất của tôi, tôi có quyền rào chắn” - ông S nói.

Sau khi kênh Nước Nhĩ được cải tạo bê tông hóa, người dân vẫn không có lối đi ra ruộng. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Cơ quan chức năng nói gì?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM (công ty thủy lợi) - đơn vị quản lý kênh Nước Nhĩ, cho biết đối với mỗi công trình thủy lợi đều có hành lang bảo vệ công trình. Dựa trên lưu lượng nước, kênh Nước Nhĩ có phạm vi bảo vệ công trình là 1-2 m.

“Khi xảy ra việc chiếm dụng hành lang bảo vệ công trình, chúng tôi sẽ tiến hành lập biên bản và phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý. Trường hợp vẫn chưa xử lý được, chúng tôi sẽ kiến nghị Sở NN&PTNT TP để giải quyết” - đại diện công ty thủy lợi cho biết.

Cũng theo công ty thủy lợi, trước đây trong quá trình phối hợp giải quyết vụ việc trên, chính quyền địa phương cũng đã đưa ra chủ trương để giải quyết lối đi cho người dân. Cụ thể, xã sẽ tiến hành xây dựng tuyến đường giao thông nội đồng tại khu vực tuyến kênh này trong chương trình nông thôn mới. Phương án giải quyết cụ thể ra sao thì do địa phương tiến hành.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân An Hội, cho biết sau khi kiểm tra, trích lục hồ sơ thì được biết vụ việc xuất phát từ việc thay đổi dòng chảy kênh. Cụ thể là năm 2004, khi một trong ba hộ dân bị phản ánh trên làm hồ sơ thay đổi dòng chảy kênh Nước Nhĩ và hình thành nên kênh như hiện nay. Nguyên bản dòng kênh trước kia chảy theo hướng khác.

Do đó, bản đồ hiện trạng trên giấy chứng nhận cấp cho các hộ dân và thực tế hiện nay khác nhau. Chính vì vậy mới có việc các hộ dân bị phản ánh cho rằng đường hành lang kênh là đất của mình nên có quyền sử dụng. Hiện xã đang phối hợp với các đơn vị liên quan để giải quyết vụ việc này.

Xã đã có văn bản kiến nghị tới UBND huyện

Để có cơ sở giải quyết dứt điểm vụ việc, UBND xã đã hai lần gửi văn bản kiến nghị tới UBND huyện Củ Chi về việc kiểm tra hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ba hộ dân bị phản ánh nêu trên.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Sau khi có kết quả phản hồi từ UBND huyện về hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi đó UBND xã mới có hướng giải quyết cụ thể.

 NGUYỄN THỊ HỢP, Phó Chủ tịch UBND xã Tân An Hội

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…