Phim Việt: Nhiều “hạt sạn” về luật

Trong phim Mùi ngò gai được phát sóng trên HTV9, để cạnh tranh với Công ty Hương Việt của Vi (do diễn viên Ngọc Trinh thủ vai) và Thiện (Lương Thế Thành đóng), phía đối thủ đã thuê người tố cáo ông nội của Thiện là người cho vay nặng lãi. Chỉ một đơn tố cáo vu vơ, không có cơ sở gì cả mà ông nội của Thiện bị bắt. Sau đó, người tố cáo vì hối hận đã ra đồn công an khai lại, thế là ông nội của Thiện được thả ra. Chuyện cứ như đùa.

Hở tí là bắt nhốt

Phim Một ngày không có em được chiếu trên HTV7 vào cuối năm 2008 còn kịch tính hơn vì có nhiều người tốt bị bắt oan. Nhân vật My (do Quỳnh Anh thể hiện) là một cô gái xinh đẹp, trong sáng, làm việc tại một công ty thiết kế. Cô My này sáng đến công sở làm việc, tối về nhà với mẹ, không có một biểu hiện bất thường nào. Thế mà chỉ vì lời khai nhảm nhí của hai cô người mẫu làm gái gọi (vốn rất ganh ghét My), My đã bị tạm giam để lấy lời khai về hành vi làm “tú bà”.

Cũng trong phim trên, nhân vật Việt (Lương Thế Thành đóng) là một doanh nhân cỡ bự có gốc gác Việt, từ Hong Kong về nước làm ăn. Trong một lần giải cứu người yêu và em gái (My) thoát khỏi tay bọn bắt cóc, Việt đánh bất tỉnh tên cầm đầu. Tình cờ lực lượng công an tuần tra đi ngang qua, lay tên cầm đầu dậy và hỏi sự thể, hắn khai “bị tên Việt hành hung”. Thế là Việt bị bắt để điều tra.

Việc đưa người tốt vào hoàn cảnh bị tạm giam có lẽ nhằm làm tăng kịch tính của phim theo ý đồ của đạo diễn, biên kịch... Tuy nhiên, công an (trong phim) dựa vào những lời khai hời hợt, không có logic, không có căn cứ... mà bắt người khiến người xem có cảm giác sao mà dễ đưa người khác vào vòng lao lý đến như vậy! Ngoài ra, hình ảnh, uy tín của lực lượng công an cũng bị ảnh hưởng. Công an là người bảo vệ trật tự và công lý chứ đâu phải cứ hơi nghi ngờ ai là đem bắt nhốt.

Trên thực tế, khi nhận được đơn thư tố cáo, công an sẽ cử lực lượng đi xác minh. Nếu thấy có đầy đủ dấu hiệu tội phạm thì cơ quan công an có thẩm quyền (cấp quận, cấp tỉnh) mới ra quyết định khởi tố vụ án. Trong quá trình điều tra vụ án mà phát hiện người có dấu hiệu phạm tội thì ra quyết định khởi tố bị can. Lúc này, nếu bị can có biểu hiện trốn tránh thì mới áp dụng các biện pháp: cấm đi khỏi nơi cư trú, ra lệnh bắt tạm giam (lệnh này phải được VKS phê chuẩn)..., trừ trường hợp phạm pháp quả tang thì được bắt ngay.

Những lỗi sơ đẳng

Bộ phim Những mảnh vỡ hoàn hảo được phát trên VTV cách đây nhiều năm cũng có chi tiết khiến khán giả có chút am hiểu về luật phải... té ngửa. Trong phim, nhân vật người vợ (do Minh Hằng đóng) ly hôn với chồng là một nhà tâm lý. Khi người bạn thân hỏi thăm, nhân vật người vợ đã kể chuyện ly hôn “nhẹ tựa lông hồng” như sau: “Việc ly hôn được tiến hành rất nhanh chóng. Bởi lẽ tòa án nhận thấy mình và anh ấy đều là những người hiểu biết về tâm lý nên tòa bỏ qua bước hòa giải”. Ai cũng biết hòa giải là thủ tục bắt buộc của một vụ án ly hôn, nếu không thực hiện sẽ bị xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bước này chỉ được loại trừ nếu người vợ/chồng mất năng lực hành vi dân sự nhưng bối cảnh trong phim thì cả hai đều là những người bình thường.

Trong phim KTX được phát vào “giờ vàng” của HTV cách đây ít lâu cũng có chi tiết đầy vô lý. Nhân vật A cố ý đụng xe, gây thương tích cho nhân vật B. Khi A đã lãnh án tù giam thì người nhà của A đến tìm gặp B, năn nỉ B viết đơn xin bãi nại để A được ra khỏi tù! Theo luật định, người đang chấp hành hình phạt tù chỉ có thể ra tù khi được đặc xá hoặc vụ án được hủy để điều tra, xét xử lại và tuyên họ bị oan... Không ai có thể ra tù nhờ đơn xin bãi nại được.

Phim ảnh không thể thoát khỏi đời sống mà đời sống thực tế luôn luôn gắn với pháp luật. Một phim được phát sóng lên truyền hình có đến hàng triệu khán giả theo dõi, vì thế những chi tiết không chính xác về luật có thể dẫn đến nhiều cách nghĩ sai lệch không hay.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, Đoàn luật sư TP.HCM:

Không thể tùy tiện

Có nhiều phim miêu tả phiên tòa mà không hề giống với phiên tòa ngoài đời thật, nhiều nhân vật luật sư hoặc thẩm phán được xây dựng không phù hợp với thực tế... Làm thế vô tình khiến cho người xem có cách nhìn nhận về pháp luật khác đi, dễ gây tác hại, bởi lẽ không phải ai cũng có cơ hội tiếp xúc với luật và thẩm định được chính xác cái gì đúng, cái gì sai. Đành rằng phim là tác phẩm nghệ thuật, rất cần sự sáng tạo nhưng những chi tiết về luật thì cần độ chính xác cao, không thể tùy tiện.

Theo tôi, để tránh sai sót, các nhà làm phim có thể hỏi ý kiến của các chuyên gia am hiểu về luật. Nếu có cố vấn về luật thì phim sẽ ít “sạn” về luật hơn. Ngoài ra, khi có những chi tiết liên quan đến quy định pháp luật, bản thân người viết kịch bản cũng cần phải tự rà soát, kiểm tra lại luật và các văn bản hướng dẫn liên quan.

ÁI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm