Nhiều bạn đọc thắc mắc nếu doanh nghiệp do dịch bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, đơn vị bị gặp tổn thất nặng nề mà cho nhân viên tạm thời nghỉ việc thì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn thì có được không?
Về vấn đề này, LS Trần Nguyễn Duy Thăng (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) chia sẻ: Căn cứ theo pháp luật thì việc làm này của doanh nghiệp là không sai luật. Bởi lẽ theo điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.
LS Trần Nguyễn Duy Thăng, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ. Ảnh: CHÂU ANH
“Tuy nhiên, khi chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn và ít nhất ba ngày làm việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng” - LS Thăng cho biết.
Trong trường hợp người lao động đang làm việc bình thường mà phải ngừng việc do cách ly vì dịch bệnh COVID-19 (không do lỗi của người lao động lẫn người sử dụng lao động) thì người lao động vẫn được nhận lương ngừng việc với, mức lương do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động 2012).
“Về mức lương tối thiểu vùng, theo Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương ở vùng I là 4.420.000 đồng/tháng, vùng II là 3.920.000 đồng/tháng, vùng III là 3.430.000 đồng/tháng và vùng IV là 3.070.000 đồng/tháng” - LS Thăng thông tin thêm.