Ai sẽ bồi thường cho người bị hại?

Thời gian qua tôi thấy rất nhiều vụ ván oan sai dẫn đến phải bồi thường cho người bị oan như vụ Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, … Tuy nhiên, đặt giả thiết nếu một người thực sự có hành vi phạm tội nhưng vì cơ quan bảo vệ pháp luật thiếu trách nhiệm dẫn đến không kết tội được thì ai sẽ bồi thường những tổn thất cho các nạn nhân trong vụ án đó?

Trần Thanh Của (Biên Hòa, Đồng Nai)

Luật sư CAO QUANG THUẦN, Đoàn luật sư TP.HCM trả lời: Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án, được quy định cụ thể tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (có hiệu lực từ ngày 1-1-2010). Theo đó, phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự bao gồm các trường hợp sau: người bị tạm giữ; người bị tạm giam, người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình; người bị khởi tố, truy tố, xét xử; tổ chức, cá nhân có tài sản bị thiệt hại do việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý có liên quan; … (Điều 26).

Theo quy định trên, người bị hại trong vụ án hình sự sẽ không được Nhà nước bồi thường nếu vụ án đó có xảy ra oan sai, kể cả việc oan sai do không chứng minh được người phạm tội vì năng lực của cán bộ tố tụng yếu kém.

Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, đây là một lỗ hổng của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong tố tụng hình sự. Bởi người thi hành công vụ có trách nhiệm phải thực hiện đúng các chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Nếu vì hành vi trái pháp luật dẫn đến không chứng minh được tội phạm thì người thi hành công vụ phải chịu trách nhiệm về việc này, kể cả thiệt hại của các nạn nhân trong vụ án. Mong rằng trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tới đây, nội dung này sẽ được thêm vào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm