Bán nhà giùm con lại bị thu thuế

Đó là tình cảnh của bà Bùi Kim Thủy (quận Bình Tân, TP.HCM). Tháng 7-2012, bà bán giúp người con một căn nhà giá 300 triệu đồng. Do chỉ có căn nhà duy nhất này nên người con được miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Tuy nhiên, bà Thủy (người được con ủy quyền bán nhà) phải nộp thuế TNCN là 6 triệu đồng (2% trên giá bán nhà).

Suy đoán ủy quyền để trốn thuế

Bà Thủy trình bày: “Năm 2009, trước khi đi du học nước ngoài, con trai tôi đã lập hợp đồng ủy quyền cho tôi được thế chấp, mua bán… căn nhà trên. Hợp đồng ủy quyền không có thù lao và thời hạn ủy quyền là năm năm. Tháng 6-2012, tôi đã bán nhà để gửi tiền cho con đóng học phí. Khi nhận thông báo mình phải nộp thuế TNCN, tôi có thắc mắc nhưng cứ nghĩ nộp tiền trước để hoàn tất thủ tục mua bán rồi xin miễn, giảm sau. Nào ngờ Chi cục Thuế quận Bình Tân trả lời thu vậy là đúng vì họ căn cứ vào Công văn 1133 ngày 5-4-2011 của Tổng cục Thuế”.

Công văn 1133 cho rằng việc cá nhân có đầy đủ năng lực dân sự mà ủy quyền cho người khác chiếm hữu, quản lý, sử dụng và định đoạt bất động sản của mình (bao gồm cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng…) và không phải hoàn trả bất động sản; đồng thời bên được ủy quyền không nhận thù lao thì thực chất là hoạt động mua bán bất động sản. Do đó, cả bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền đều phải đóng thuế TNCN.

Bán nhà giùm con lại bị thu thuế ảnh 1

Người dân làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục thuế quận 5, TP.HCM. Ảnh: HTD

Bà Thủy bức xúc: “Mẹ bán nhà giùm con không nhận thù lao là lẽ bình thường. Tại sao cơ quan thuế lại xem đây là mua bán trá hình để bắt nộp thuế?”.

Trao đổi với PV, đại diện Chi cục Thuế quận Bình Tân quả quyết “đã làm đúng theo Công văn 1133, hễ ủy quyền là phải thu thuế, bất kể người được ủy quyền là người dưng hay người thân trong nhà”.

Mỗi nơi làm một kiểu

Do quá trình thực hiện Công văn 1133 có nhiều vướng mắc từ các cơ quan thuế nên vào ngày 20-9-2011, Tổng cục Thuế đã ban hành Văn bản số 3373 lưu ý không phải trường hợp ủy quyền bán nhà, đất nào cũng thu thuế TNCN cả hai bên ủy quyền và được ủy quyền. Tổng cục Thuế yêu cầu các cơ quan thuế kết hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung ủy quyền rồi mới tổ chức thu thuế. Song cơ quan chức năng là cơ quan nào, cách thức “điều tra” thật, giả ra sao thì Tổng cục Thuế không hướng dẫn. Từ đó dẫn đến việc mỗi cơ quan thuế làm một kiểu.

Bà Lê Thị Thu Cúc, Chi cục phó Chi cục Thuế quận 5, cho biết: “Đối với hợp đồng ủy quyền giữa các thành viên trong gia đình như giữa cha mẹ với con cái, vợ với chồng, anh chị em ruột với nhau…, chúng tôi không thu thuế bên được ủy quyền. Chỉ khi nào giữa bên ủy quyền và được ủy quyền không có mối quan hệ trên thì chúng tôi mới giữ hồ sơ để xem xét thêm. Thông thường, hai bên tự kê khai nộp thuế chứ không đợi chúng tôi đi xác minh. Theo đó, nếu gặp trường hợp như của bà Thủy, chúng tôi không thu thuế của bà”.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Chi cục phó Chi cục Thuế quận Thủ Đức, cơ quan này cũng có cách xử lý giống như Chi cục Thuế quận 5. Bà Dung phân tích: “Khi được người thân ủy quyền bán nhà, người được ủy quyền không có phát sinh thu nhập thì không thể buộc họ phải đóng thuế. Mối quan hệ thân thích thường được thể hiện rõ trong hồ sơ khi kê khai nộp thuế”.

Chi cục Thuế quận 1 cũng thực hiện tương tự. Đại diện cơ quan này nêu: “Tất nhiên là những người đó phải có giấy tờ chứng minh được mối quan hệ cha, mẹ, con, anh, em… thì mới có cơ sở để miễn thuế”.

Ngược lại, một số chi cục thuế khác như quận Bình Thạnh, 9, 12… thu thuế đối với bên được ủy quyền nếu có hai điều kiện theo như Công văn 1133. Đó là: Hợp đồng ủy quyền cho phép bên được ủy quyền toàn quyền quản lý, sử dụng và định đoạt và không phải hoàn trả bất động sản; không quy định thù lao của phía bên được ủy quyền. Các cơ quan thuế này không tính đến mối quan hệ thân thích khi ủy quyền.

NGUYỄN QUỲNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm