Bản sắc và hội nhập

Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu nhất quyết không xài xà bông vì nó là của Phú-lang-sa! Còn nhà thơ “chân quê” Nguyễn Bính thì rất đau khổ khi thấy người ta mặc “áo cài khuy bấm”, ông khuyên người con gái mà ông yêu “khuyên em em hãy giữ nguyên quê mùa” với áo tứ thân, chiếc khăn mỏ quạ... Thật ra, nền học vấn nước nhà, quy chế thi cử thời phong kiến và vô số phong tục tập quán của người Việt ta xưa nay vẫn ảnh hưởng tư tưởng Khổng Mạnh, từ ngữ ta nói và viết hằng ngày không ít từ Hán-Việt. Đâu riêng gì người Việt, người Pháp cũng dùng rất nhiều từ La-tinh, người Anh lại dùng nhiều từ Pháp... Trên thế giới người ta vẫn ứng dụng những thành quả lao động sáng tạo của nhau. Người Nhật học tập khoa học kỹ thuật phương Tây rồi phát triển vượt qua nhiều nước Tây phương, rồi người Hàn Quốc lại học người Nhật tiến nhanh, đuổi kịp Nhật và hiện nay đã vượt qua cả nhiều cường quốc phương Tây.

 Người Việt ta sau bao nhiêu năm “sống trong nhà”, đến khi mở cửa hòa nhập với cộng đồng quốc tế, nhiều người đã chuyển từ “bất cập”sang “thái quá”, nhất là giới trẻ hiện nay, không ít người mang tư tưởng sùng ngoại, học theo tư tưởng phương Tây tự do phóng túng. Và cho rằng cái gì của Tây, của Mỹ, của Nhật đều tốt. Nhất là các bạn trẻ hiện nay đang cắm đầu cắm cổ chạy theo mốt Hàn Quốc, từ cách ăn mặc, tóc tai, cách cư xử, học theo tính thực dụng của người Hàn. Thật đáng lo, bởi để đạt được thành công, họ sẵn sàng làm mọi cách!

Có người thắc mắc tại sao phải giữ gìn bản sắc Việt Nam? Bởi nếu không giữ thì mình sẽ đánh mất mình, biến thành bản sao của người khác. Tuy vậy, giữ gìn bản sắc dân tộc không có nghĩa là khư khư giữ lấy những phong tục tập quán lạc hậu mà không tiếp nhận thành tựu văn hóa, khoa học công nghệ của nhân loại. Nhưng khi tiếp thu phải chọn lọc cái hay, cái tốt phù hợp với hoàn cảnh, tâm lý xã hội Việt Nam và “Việt hóa” chúng, đồng thời tôn tạo, giữ gìn những di sản ông cha để lại.

Có thể nêu một điển hình đáng cho ta học tập. Đó là người Nhật, một mô hình“hòa nhập nhưng không hòa tan”đúng nghĩa. Từ khó khăn về địa lý, thiếu tài nguyên thiên nhiên, bị bại trận trong Thế chiến thứ hai, “lãnh đủ” hai quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống. Đất nước Nhật bị tàn phá. Thế nhưng người Nhật đã vươn lên thành một cường quốc kinh tế, khoa học công nghệ hàng đầu thế giới chỉ sau vài thập niên. Điều đáng nói là họ vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa Nhật, từ nếp sinh hoạt trong gia đình ra xã hội, từ văn hóa ẩm thực đến văn học nghệ thuật... Tất cả đều “rất Nhật” - không nhầm lẫn với bất cứ nền văn hóa nào.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm