Ngày 14-10, BS Võ Hòa Khánh, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng-Vi phẫu tạo hình BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM, cho biết BV đã nối thành công bàn tay đứt lìa cho một bệnh nhân do bàn tay được bảo quản đúng cách trước khi đưa tới BV.
Trước đó, trưa 13-10, bệnh nhân NQS (19 tuổi, ở Bình Dương) được đưa tới BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM trong tình trạng bàn tay phải đứt lìa phân nửa. Phần đứt lìa được quấn bằng vải sạch, đựng trong bịch nylon và để trong thùng đá. Bệnh nhân cho biết do bất cẩn trong lúc vận hành máy cưa gỗ nên bị cưa đứt lìa bàn tay.
Kết quả chụp X quang cho thấy bàn tay phải bệnh nhân bị đứt lìa. Ảnh: HÒA KHÁNH
Sau hơn hai giờ mổ bằng kỹ thuật vi phẫu, bàn tay đứt lìa của bệnh nhân đã được khâu lại hoàn chỉnh. “Các ngón tay hồng hào, có thể cử động nhẹ. Sau bảy ngày bệnh nhân có thể xuất viện” - BS Khánh cho biết thêm.
BS Võ Hòa Khánh đang thăm khám bàn tay bệnh nhân sau khi khâu lại. Ảnh: TRẦN NGỌC
Theo BS Khánh, không ít bệnh nhân không biết cách bảo quản bộ phận đứt lìa (tay, chân) nên khả năng phục hồi rất thấp. "Thời gian vàng” để khôi phục bộ phận đứt lìa là trong vòng sáu tiếng. Tuy nhiên, nếu bộ phận đứt lìa được bảo quản đúng cách thì “thời gian vàng” tăng gấp đôi.
“Bộ phận đứt lìa cần được rửa bằng nước sạch. Tiếp theo quấn bằng băng hoặc vải rồi cho vô túi nhựa mỏng và buộc miệng lại. Sau đó đặt vào thùng đá lạnh rồi chuyển theo nạn nhân. Tuyệt đối không để trực tiếp bộ phận đứt lìa vào đá lạnh vì sẽ làm bộ phận này bị bỏng lạnh, không thể phục hồi” - BS Khánh lưu ý.