Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM: Điều chỉnh bảng giá đất để TP phát triển

(PLO)- Theo Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, việc điều chỉnh bảng giá đất lần này là vì sự ổn định và phát triển của TP.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM vừa có kết luận về chủ trương cần thiết điều chỉnh và cách thức thực hiện điều chỉnh Bảng giá đất theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND trên địa bàn TP.HCM.

Ban Thường vụ Thành ủy TP: TP.HCM không thể không thực hiện việc điều chỉnh bảng giá đất
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM yêu cầu khi đưa ra bảng giá đất mới phải hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Ảnh: NGUYỆT NHI

Hạn chế ảnh hưởng đến người dân

Sau khi nghe Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM báo cáo về việc cho ý kiến xin chấp thuận chủ trương về sự cần thiết điều chỉnh và cách thức thực hiện điều chỉnh Bảng giá đất theo Quyết định số 02/2020 của UBND TP, Ban Thường vụ Thành ủy đã đưa ra kết luận.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá đây là nội dung rất quan trọng, nhạy cảm và rất phức tạp. Có phạm vi, đối tượng chịu sự điều chỉnh rất lớn và có sự tác động đến các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất và tình hình kinh tế - xã hội của TP nhưng nhất thiết phải thực hiện. Khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành thì việc áp dụng Bảng giá đất hiện nay của TP không phù hợp quy định hiện hành.

Theo Ban Thường vụ Thành ủy, việc điều chỉnh bảng giá đất là để bảng giá đất trên địa bàn TP từng bước tiệm cận với giá thị trường, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động kinh tế - xã hội, tránh ách tắc trong giải quyết hồ sơ nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với các tổ chức, cá nhân và góp phần triển khai sớm các công trình, dự án quan trọng của TP.

Chính vì vậy, quá trình thực hiện phải hết sức cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng, tiếp tục theo dõi và đánh giá tác động một cách toàn diện. Đồng thời lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu chọn phương án tối ưu nhất, phù hợp với tình hình thực tế TP. Phải hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, theo phương châm “bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư”.

Bám sát chỉ đạo để giải quyết các hồ sơ có liên quan nghĩa vụ tài chính

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM giao Ban Cán sự đảng UBND TP lãnh đạo UBND TP chỉ đạo Sở TN&MT cùng các sở, ban, ngành có liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý. Trong đó cần quan tâm lưu ý, tiếp tục rà soát kỹ, hoàn thiện, khẩn trương triển khai các bước thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật, ban hành bảng giá đất điều chỉnh và triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Cụ thể, lưu ý thực hiện một số vấn đề trọng tâm như: tăng cường phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội TP, các cơ quan báo chí TP, các địa phương, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, nhất là Hội Luật gia TP, thực hiện đa dạng các tài liệu tuyên truyền đến nhân dân đặc biệt là các trường hợp bị ảnh hưởng tác động. Cần đẩy mạnh công tác truyền thông một cách chặt chẽ, cụ thể, thông tin rõ ràng, thấu đáo, nêu rõ bối cảnh quá khứ, hiện tại và dự báo trong thời gian tới.

Cần xác định rõ việc TP.HCM không thể không thực hiện việc điều chỉnh bảng giá đất lần này là vì sự ổn định và phát triển của TP. Qua đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong xã hội và các tầng lớp nhân dân trước khi thực hiện.

Tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Tài chính để được hướng dẫn thực hiện giải quyết những nội dung vướng mắc làm cơ sở thực hiện việc tính nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với các hồ sơ sau ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó phải sớm nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện theo Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định của Chính phủ thuộc thẩm quyền của UBND TP.

Hơn nữa là chủ động chuẩn bị kế hoạch xây dựng bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2024 để áp dụng từ ngày 1-1-2026 với lộ trình, bước đi hết sức chặt chẽ, không để bị động, ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách pháp luật trên địa bàn TP...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm