Thông tin đời tư là những gì mang tính bí mật nhất của một cá nhân, được pháp luật bảo hộ và có chế tài nghiêm khắc với những ai tiết lộ, công bố nó ra công cộng trái luật. Khi thông tin ấy bị rò rỉ, phơi bày, nạn nhân đó thường rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực, có cảm giác như mình đang trần truồng trước “ống kính dư luận”...
Thực tế, việc lộ bí mật thông tin cá nhân xuất phát từ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, thiết bị thông tin, việc nhận diện khách hàng qua các thông tin được cung cấp trực tiếp lẫn gián tiếp có thể được thực hiện một cách nhanh chóng. Chẳng hạn người sử dụng các mạng xã hội Facebook, Zalo… thì các thông tin được trao đổi, truy cập cũng sẽ trở thành từ khóa để nhận diện người ấy cho những hoạt động sau này.
Chỉ cần chúng ta gõ một từ khóa tìm kiếm thì lập tức các trang cá nhân của chúng ta sẽ đầy rẫy những thông tin liên quan đến từ khóa đó. Và như vậy, những thông tin liên quan đến thói quen, sở thích, thậm chí khu vực sinh sống sẽ được ghi nhận và tiết lộ.
Bị can Lê Đất (giữa) cùng đồng phạm bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế khởi tố về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông do đã mua và quản lý khoảng 6.2 triệu thông tin dữ liệu cá nhân trên cả nước với tổng số tiền khoảng 720 triệu đồng. Ảnh: H.NHUNG |
Một trong những nguyên nhân khách quan khiến cho các thông tin cá nhân thường bị tiết lộ một cách chính xác, có hệ thống chính là dữ liệu cá nhân bị rò rỉ, mua bán. Rõ ràng khi xác lập các mối quan hệ, tham gia các giao dịch chúng ta buộc phải cung cấp thông tin riêng tư, bí mật của cá nhân.
Ví dụ như khi tham gia khám chữa bệnh, chúng ta buộc phải khai báo chính xác thông tin liên quan đến độ tuổi, tình trạng sức khỏe, địa chỉ sinh sống, thông tin người giám hộ… Còn tham gia vào quan hệ tín dụng, chúng ta phải cung cấp các thông tin liên quan đến số điện thoại, cơ quan công tác, vị trí công việc, tổng thu nhập, số tài khoản ngân hàng… thì tất cả thông tin cơ bản, bí mật này dễ dàng được tiếp cận bởi các chủ thể khác với những mục đích khác nhau.
Cũng cần nhấn mạnh, không hiếm các trường hợp thông tin bí mật được tiết lộ bởi ý chí chủ quan của chính các cá nhân ấy, như chụp ảnh giấy tờ tùy thân đưa lên mạng mà không che những thông tin cơ bản, quan trọng; cung cấp tên, địa chỉ, số điện thoại một cách công khai khi mua hàng online hoặc không xử lý các thông tin cá nhân được lưu trữ ở bì thư, hộp gói hàng trước khi vứt rác…
Việc rò rỉ thông tin không chỉ gây ra phiền toái cho những người bị lộ thông tin khi bị gọi điện thoại chào mua các sản phẩm dịch vụ liên tục mà còn dễ bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi.
Kẻ xấu có thể sử dụng thông tin thu thập được để lừa đảo, mạo danh chủ thể để chiếm đoạt tài sản từ bạn bè, gia đình, thậm chí chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. Chưa kể nguy cơ kẻ xấu sẽ sử dụng những thông tin cá nhân mang tính bí mật để công khai nhằm mục đích khống chế, thậm chí là tống tiền…
Nguy hiểm hơn, việc lộ các thông tin quan trọng của cá nhân có thể gây ra nhiều hệ lụy pháp lý khác khi bỗng dưng trở thành các chủ thể của các quan hệ pháp luật mà mình phải phát sinh các trách nhiệm pháp lý: Hợp đồng vay, hợp đồng thuê, quan hệ bảo lãnh… Tất cả điều này khiến cho cuộc sống của người dân bị làm phiền và mất an toàn.
Do đó, hơn ai hết bản thân chủ thể cần có ý thức bảo vệ thông tin bí mật của cá nhân. Cụ thể là không truy cập vào các đường link lạ, không rõ ràng hoặc nghi ngờ; hạn chế cung cấp các thông tin cá nhân một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Trong trường hợp việc cung cấp thông tin là cần thiết, bắt buộc thì cần đọc kỹ, nắm rõ các yêu cầu về giữ bí mật thông tin từ chủ thể thu thập thông tin của mình. Từ đó, ràng buộc các trách nhiệm pháp lý của họ trong việc giữ bí mật thông tin.
Tóm lại, bản thân mỗi người nên có ý thức bảo vệ các thông tin, hết sức cân nhắc khi nhập vào bất cứ đâu các dữ liệu cá nhân của mình để tránh các rủi ro hoặc phiền toái không đáng có.
Nếu việc lộ thông tin gây ra những hậu quả nghiêm trọng thì cần thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được bảo vệ tốt hơn.
Tuy nhiên, các cách thức trên chỉ hiệu quả đối với trường hợp thông tin bị lộ vì lý do chủ quan. Còn trong trường hợp khách quan (thông tin bị lộ do mua bán dữ liệu trái phép, bị đánh cắp) thì mỗi cá nhân cũng không thể loại trừ được mà cần có vai trò của quản lý nhà nước trong việc ban hành và thực thi các chính sách bảo mật thông tin cá nhân hiệu quả hơn trên thực tế.