Nhận chuyển khoản nhầm, hoàn ngay khổ chủ

(PLO)- Cái gì của mình là của mình. Cái gì không phải của mình thì đừng "đụng" vào, đừng nổi lòng tham mà giữ rịt, coi chừng bị tù đấy!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-7, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Tiến Lực (51 tuổi, ngụ thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) để điều tra về tội chiếm giữ trái phép tài sản.

chuyển khoản nhầm
Công an thi hành lệnh bắt tạm giam với ông Lực vì nhận chuyển khoản nhầm nhưng chiếm giữ không trả. Ảnh: CAPM

Theo kết quả điều tra ban đầu, ngày 21-10-2023, ông Lực bỗng dưng nhận được 484 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của ông. Người chuyển tiền nhầm đã liên hệ nhờ ông chuyển lại nhưng không nhận được phản hồi. Dù biết khoản tiền này “do chuyển nhầm mà có” nhưng ông Lực không liên hệ với ngân hàng hay cơ quan chức năng để trả lại cho chủ sở hữu mà dùng toàn bộ số tiền này để trả nợ, tiêu xài cá nhân.

Một vụ khác, ngày 28-2, Công an quận Tân Phú, TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Tâm Duy (41 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) để điều tra về tội chiếm giữ trái phép tài sản.

Trước đó, ông Duy đến một ngân hàng ở đường Tây Thạnh, quận Tân Phú để chuyển 1,5 triệu đồng vào tài khoản của mình. Tuy nhiên, ngân hàng đã chuyển nhầm thành 1,5 tỉ đồng.

Sau đó, phát hiện tài khoản có số tiền chuyển nhầm này, ông Duy đã chuyển 50 triệu đồng cho bạn nhờ giữ giùm. Về phía ngân hàng, khi phát hiện việc nhầm lẫn, ngân hàng đã làm các thủ tục để hủy bỏ giao dịch nhưng chỉ thu hồi được 1,45 tỉ đồng. Ngân hàng đã mời ông Duy đến làm việc và giải thích về vụ việc nhưng ông không hợp tác, không đồng ý ký vào các biên bản cũng như không trả lại tiền đã được chuyển nhầm vào tài khoản của mình.

Sau đó, ông Duy cho bạn 5 triệu đồng và lấy lại số tiền nhờ giữ giùm rồi tiêu xài hết. Ngân hàng đòi nhiều lần không được nên đã tố cáo. Xác định hành vi vi phạm của ông Duy nên Công an quận Tân Phú đã mời làm việc và khởi tố, bắt giam ông. Ông Duy được xác định dù biết và nhận thức được số tiền 50 triệu đồng là tài sản hợp pháp của ngân hàng nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cần tiền tiêu xài nên đã nổi lòng tham, cố tình chiếm giữ để sử dụng...

Nhiều vụ tương tự khác, cũng liên quan đến nhặt được tài sản đánh rơi nhưng không trả lại cho khổ chủ, đã đẩy người nhặt được vào vòng lao lý.

Dưới góc độ đạo lý, với truyền thống “thương người như thể thương thân”, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn của người Việt Nam thì thái độ phớt lờ, bỏ mặc khi người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản của mình là việc làm rất vô cảm. Biết đâu số tiền mà mình nghĩ là “trời cho” ấy lại có thể cứu sống một con người đang trong cơn nguy kịch, chắp cánh cho ước mơ của một người trẻ đang nỗ lực vượt khó...

Do đó, nếu có tài sản “từ trên trời rơi xuống”, hãy tìm cách trả cho khổ chủ. Đừng lấy thứ không thuộc về mình, cái gì của ai thì phải trả lại cho người nấy; đừng lấy của người làm cái lộc, cái phúc cho mình. Đừng làm mất sự liêm chính của bản thân thì sẽ tránh được nguy cơ đẩy tha nhân vào bi kịch, cũng giúp chính mình không vướng lao lý nếu hành vi bị soi rọi dưới góc độ pháp lý…

Dưới góc độ pháp lý, BLHS có quy định tại Điều 176 về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Theo đó, lỗi của người phạm tội bắt đầu phát sinh khi khổ chủ yêu cầu nhận lại tài sản nhưng người phạm tội không trả lại mà vẫn chiếm giữ hoặc tự ý định đoạt. Chính yếu tố “cố tình không trả lại tài sản” đã hình thành hành vi chiếm giữ trái phép tài sản; từ đây tùy theo giá trị tài sản mà hành vi cấu thành một vi phạm hành chính (điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021) hay vi phạm hình sự.

BLDS 2015 cũng có quy định về trường hợp “nhặt được của rơi” (được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật, làm cho người khác bị thiệt hại) thì phải trả lại cho người đánh mất hoặc báo cho chính quyền nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Thực tế, không phải ai cũng am hiểu pháp luật và có cách xử sự đúng quy định. Do nhiều yếu tố tác động mà người nhặt được tài sản, nhận tiền chuyển nhầm “cố tình không trả lại” như: Họ cho rằng tài sản nhặt được, tiền được chuyển nhầm thì đương nhiên là của mình; họ cho rằng tài sản có giá trị không đáng kể thì không cần khai báo vì không có thời gian; họ nghi ngờ tiền chuyển nhầm là thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua mạng nên không chuyển trả lại nhưng cũng không trình báo công an…

Chỉ đến khi công an vào cuộc điều tra, khởi tố về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản thì họ mới chịu trả lại tiền cho khổ chủ. Khi đó, việc khổ chủ rút yêu cầu khởi tố (nếu có) cũng chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ; việc bị can có được miễn trách nhiệm hình sự hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào nhận định của cơ quan tố tụng.

Ông bà ta có câu “Của thiên trả địa” với thông điệp “của cải từ trên trời rơi xuống không thấm đẫm những giọt mồ hôi của sự cần lao thì chắc chắn không thể lâu bền”. Do đó, nhặt được của rơi hay nhận tiền chuyển nhầm qua tài khoản thì hãy ngay lập tức hoàn trả cho chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp. Đừng ngộ nhận cho rằng đó là “của thiên” mà chiếm giữ để có khi phải trả bằng những cái giá quá đắt, mà một trong số đó là bản án hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm