Luật và đời

Phán quyết của tòa và niềm tin của công dân

(PLO)- Pháp luật trong một nhà nước pháp quyền phải tiệm cận được với công lý. Nghĩa là pháp luật phải được ban hành và áp dụng phù hợp với đạo lý, với lẽ phải và lương tri.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khi ra một bản án, quyết định, tòa án luôn quan tâm đến việc đảm bảo tính hợp pháp và tính hợp lý. Tuy nhiên, tính hợp pháp và tính hợp lý không phải lúc nào cũng đồng nhất, thậm chí có trường hợp xung đột nhau…

Vụ án tai nạn giao thông sau đây là một ví dụ điển hình về sự xung đột này. Khoảng 4 giờ ngày 25-9-2022, Phạm Thị Phương Ngân (29 tuổi, ngụ huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) chạy xe máy chở bà nội là bà HTC đi công việc. Do không giảm tốc độ, không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên nên Ngân để xảy ra va chạm, gây tai nạn giao thông làm bà C bị thương nặng và tử vong tại bệnh viện. Sau đó, TAND huyện Diên Khánh đã tuyên phạt Ngân một năm tù với tội danh vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Phán quyết của tòa
Bị cáo Ngân cùng ông nội và hai con nhỏ. Ảnh: NVCC

Điều 260 BLHS quy định: “Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm chết một người thì bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù 1-5 năm”. Với quy định trên, việc TAND huyện Diên Khánh tuyên phạt Ngân một năm tù giam là có cơ sở và đáp ứng yêu cầu về tính hợp pháp.

Sau đó, viện trưởng VKSND huyện Diên Khánh đã kháng nghị phúc thẩm. Quyết định kháng nghị nêu rõ xét thấy Ngân là cháu ruột của bị hại C, Ngân gây tai nạn trên đường chở bà nội đi mua bán. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Ngân thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tích cực lo tang lễ cho bà nội, bồi thường 30 triệu đồng. Bị cáo được đại diện hợp pháp của bị hại là chồng và hai con đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, bị cáo có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, có nơi cư trú rõ ràng nên việc cách ly bị cáo khỏi xã hội là không cần thiết. Vì lẽ này mà TAND huyện Diên Khánh không cho bị cáo hưởng án treo là quá nghiêm khắc và không đảm bảo tính khoan hồng, nhân đạo của pháp luật.

Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm, xử phạt bị cáo Ngân một năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Vi phạm pháp luật luôn tồn tại yếu tố lỗi. Lỗi là thái độ tâm lý của chủ thể đối với hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội và đối với hậu quả do hành vi của mình gây ra. Tuy nhiên, lỗi cố ý và lỗi vô ý lại rất khác nhau về thái độ tâm lý. Do đó, việc áp dụng chế tài pháp lý cũng cần phải phù hợp với yếu tố lỗi.

Hành vi vi phạm của Ngân là rất rõ ràng. Tuy nhiên, xét về yếu tố lỗi, Ngân thực hiện hành vi không phải với lỗi cố ý. Qua các tình tiết của vụ án, có thể nhận thấy Ngân đã phạm tội với lỗi vô ý do quá tự tin, chủ quan. Hậu quả của sự tự tin, chủ quan này là Ngân đã va chạm vào xe anh S và gây ra cái chết cho chính bà nội mình. Tòa sơ thẩm căn cứ vào hành vi và hậu quả “làm chết một người” nên tuyên phạt bị cáo một năm tù giam là không sai. Tại phiên tòa phúc thẩm, chính HĐXX cũng nhận định việc tòa sơ thẩm phạt bị cáo như vậy là đúng pháp luật.

Khi xem xét để ra một bản án, quyết định cần phải xem xét mối tương quan giữa hai giá trị: Tính trật tự hành chính (tính hợp pháp) và bảo vệ niềm tin của công dân (tính hợp lý). Trong một số trường hợp, bảo vệ niềm tin của công dân (tính hợp lý) có giá trị lan tỏa rất lớn trong cộng đồng.

Thế nhưng, vấn đề cần nói là tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét thấu đáo mối quan hệ giữa bị cáo và người chết. Trong trường hợp này, nếu bị cáo và người chết không có mối quan hệ thân thích với nhau thì mức án trên là hợp lý. Tuy nhiên, do bị cáo và người chết có quan hệ ruột thịt với nhau nên cần thiết phải xem xét yếu tố là có nhất thiết cách ly người phạm tội khỏi cuộc sống bằng bản án tù giam hay không.

Thực tế là trước vụ án ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã có một số vụ chồng chở vợ, anh chở em, cha chở con vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây ra cái chết cho chính người thân được chở sau xe. Người nhà sau đó vừa gánh chịu nỗi đau mất người thân, vừa có thêm người thân khác bị tù tội.

Trong trường hợp hành vi vi phạm giao thông của mình gây ra cái chết cho người có quan hệ ruột thịt thì chính bản thân họ cũng đã rất đau khổ, dằn vặt. Sự dằn vặt, ăn năn này nhiều khi còn đeo bám họ dai dẳng trong suốt nhiều năm về sau. Xét ở góc độ răn đe, giáo dục và phòng ngừa, sự dằn vặt, ăn năn này không kém ý nghĩa hơn so với bản án một năm tù giam. Việc HĐXX phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Ngân một năm tù nhưng cho hưởng án treo đã thể hiện rõ nét sự nhân đạo của pháp luật.

ý kiến cho rằng khi phải lựa chọn giữa tính hợp pháp và tính hợp lý của một bản án, quyết định thì về cơ bản vẫn phải ưu tiên tính hợp pháp. Mặc dù xác định hợp pháp mang tính trội có vẻ hơi cứng nhắc nhưng nó có tác dụng hạn chế sự tùy tiện, lạm dụng pháp luật. Trong một nhà nước đề cao nguyên tắc pháp chế thì nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền thì nhận định trên lại cũng còn điều cần bàn.

Pháp luật trong một nhà nước pháp quyền phải tiệm cận được với công lý. Nghĩa là pháp luật phải được ban hành và áp dụng phù hợp với đạo lý, với lẽ phải và lương tri.

Trong cuộc sống, tính hợp lý bao giờ cũng chiếm ưu thế hơn tính hợp pháp, cho dù trước đó tính hợp lý có thể bị cản trở bởi tính hợp pháp. Với nguyên lý đó, khi xem xét để ra một bản án, quyết định cần phải xem xét mối tương quan giữa hai giá trị: Tính trật tự hành chính (tính hợp pháp) và bảo vệ niềm tin của công dân (tính hợp lý). Trong một số trường hợp, bảo vệ niềm tin của công dân (tính hợp lý) có giá trị lan tỏa rất lớn trong cộng đồng.

Trở lại với vụ án trên, việc tòa án cấp phúc thẩm cho bị cáo Ngân hưởng án treo để tiếp tục cải tạo, phấn đấu tại cộng đồng là điều rất hợp lý. Tất nhiên, sự hợp lý này cũng cần được dẫn dắt bởi tính hợp pháp. Vì vậy, nếu có một án lệ về vấn đề này làm điểm tựa cho “tính hợp pháp” để các quan tòa thêm vững tin khi ra phán quyết thấu tình đạt lý thì sẽ đảm bảo vẹn toàn cả tính hợp pháp và tính hợp lý.

Chuyện thẩm phán "được yêu mến nhất nước Mỹ"

Thẩm phán Frank Caprio, làm việc tại tòa sơ thẩm ở thành phố Providence, tiểu bang Rhode Island, nước Mỹ, người chuyên xét xử những tội danh nhẹ như đỗ xe trái phép, chạy xe quá tốc độ...

Các phiên xử của ông luôn kết thúc với những phán quyết thấu lý, đạt tình. Có những lúc mọi người hiện diện trong pháp đình đều bật cười, nhưng cũng không ít lần vị thẩm phán khiến mọi người cảm động đến rơi nước mắt. Frank Caprio đã áp dụng chế định loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi để miễn phạt cho một cụ ông 96 tuổi chạy xe quá tốc độ ở gần khu vực trường học vì lý do chính đáng đưa con trai 63 tuổi bị ung thư đi xét nghiệm máu.

Trong một vụ án khác, ông cũng đã dùng tiền quyên góp của những người thiện tâm để đóng phạt cho một bà mẹ đơn thân nghèo khó đang nuôi con 10 tháng tuổi với hành vi đậu xe qua đêm sai quy định.

Những phán quyết của Frank Caprio đã chạm đến sâu thẳm trái tim của mọi người. Hơn ai hết, những người vi phạm đã cảm thấy sự ấm áp của tình người và cảm nhận rõ ràng sự nhân đạo của pháp luật để có thêm động lực phấn đấu, cải tạo trở thành người hữu ích cho xã hội.

Như vậy, chính những phán quyết đậm chất nhân văn, hợp lý mới làm nên thương hiệu cho thẩm phán Frank Caprio.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm