Chiều 17-7, tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã diễn ra buổi làm việc và Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường ĐH Kinh tế - Luật và Báo Pháp Luật TP.HCM.
Phát biểu tại đây, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho rằng trong hoạt động vừa qua, trường luôn nhận được sự đồng hành của Báo Pháp Luật TP.HCM trong việc truyền tải thông tin, hình ảnh của trường đến xã hội. Cạnh đó, đội ngũ chuyên gia của trường cũng được góp tiếng nói về các vấn đề chuyên môn trên mặt báo, như trả lời phỏng vấn, phản biện chính sách….
Do đó, theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, trường mong muốn sẽ tiếp tục có đóng góp sâu hơn với Báo Pháp Luật TP.HCM, quan trọng hơn trường được thể hiện trách nhiệm xã hội, thực hiện một trong những sứ mạng của trường là đóng góp và phục vụ cộng đồng, thúc đẩy phát triển xã hội.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh cho rằng Báo Pháp Luật TP.HCM không chỉ mạnh về các vấn đề pháp luật, mà còn có nhiều tuyến bài phản ánh về vấn đề kinh tế. Nên sắp tới, trường sẵn sàng đưa đội ngũ chuyên gia tham gia với Báo để đẩy mạnh hơn nữa những tuyến bài với sự đầu tư bài bản hơn.
Ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM đánh giá cao mối quan hệ thân thiết giữa hai đơn vị trong thời gian qua. Nhiều chuyên gia của trường đã đồng hành cùng Báo trong các thông tin bình luận, phản biện chính sách trên mặt báo, hay như hai đơn vị cùng phối hợp tổ chức hội thảo năm 2022.
Tổng biên tập Mai Ngọc Phước nói thêm sự kiện này thực ra là tiếp nối sự hợp tác giữa hai đơn vị. Như hiện nay, Báo dự kiến mở chuyên mục tư vấn cho doanh nghiệp, để góp thêm tiếng nói giúp cho doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc và được hỗ trợ để phát triển tốt hơn.
“Phương châm của Báo là đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là Báo không chỉ tuyên truyền kiến thức pháp luật đến người dân mà còn phản biện, đấu tranh về các vấn đề pháp luật, tiêu cực trong đời sống xã hội. Vì vậy, để làm tốt, Báo luôn cần sự hỗ trợ từ phía nhà trường trong thời gian tới” – ông Phước nói.
Sau khi bàn bạc, thống nhất, hai đơn vị xác định phạm vi hợp tác bao gồm ba nội dung lớn:
Thứ nhất, hai đơn vị phối hợp nghiên cứu, xây dựng chính sách và phản biện, góp ý, truyền thông chính sách để triển khai các hoạt động truyền thông, phổ biến chính sách của chính quyền TP.HCM và các địa phương khác.
Hai bên phối hợp tổ chức các tuyến thông tin, các chương trình hội thảo, tọa đàm nhằm giải thích, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, phối hợp xây dựng các chương trình trên mặt báo và sau mặt báo đồng hành, hỗ trợ, gỡ vướng khó khăn, lan tỏa mô hình hay, sáng tạo có ích của doanh nghiệp.
Trong đó, hai bên tổ chức các hoạt động truyền thông, hội thảo, toạ đàm… nhằm gỡ vướng những khó khăn, khúc mắc về chính sách, pháp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức các hoạt động khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, có những mô hình kinh doanh mới, có những sáng kiến vượt qua khó khăn, trong đó tập trung những lĩnh vực quan trọng như Tài chính – Ngân hàng, Kỹ thuật – Công nghệ, Bất động sản…
Thứ ba, xây dựng các chương trình đồng hành, hỗ trợ sự phát triển của sinh viên. Cụ thể như hàng năm, Báo Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp nhận sinh viên của trường kiến tập, thực tập và tập sự nghề nghiệp. Hai bên cũng chủ động trao đổi và xây dựng kế hoạch các chương trình phối hợp thực hiện hoạt động định hướng nghề nghiệp, đào tạo và phát triển kỹ năng cho sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật.
Về nội dung này, PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật cũng gợi ý sẽ đẩy mạnh tổ chức những cuộc thi về kỹ năng cho sinh viên luật một cách bài bản, truyền thông rộng rãi chứ không manh mún như hiện nay. Bởi đây là mảng yếu nhất trong đào tạo luật ở Việt Nam.