Ngày 26-11, tại TP.HCM, các bảo mẫu cơ sở Mầm Xanh hành hạ trẻ em bằng tay chân qua tát, đá, đạp, vụt dép; hành hạ bằng nhiều vật dụng kể cả chảo, dao. Ngày 26-11, tại TP.HCM, một bé trai sáu tuổi đang đi mua bánh thì bị một bảo vệ dân phố (bước đầu được cho là bị bệnh tâm thần phân liệt) dùng dao sát hại chết. Ngày 25-11, tại Kiên Giang, bé gái bảy tuổi bị mẹ kế lấy sắt nung dí vào mặt. Ngày 25-11, tại Thanh Hóa, một trẻ sơ sinh 20 ngày tuổi bị bắt ngay trong nhà khi đang ở với bà nội; ngày 27-11, thi thể cháu được phát hiện ở bãi rác cách nhà 12 km. Ngày 23-11, tại Hà Nam, người giúp việc hành hạ bé gái hơn một tháng tuổi…
Tin tức mỗi ngày sẽ lướt qua trước mắt, nhanh như ngón tay mỗi người lướt trên smartphone nhưng trước những thông tin bạo hành, giết trẻ em như thế, không ai đủ sức lướt qua nổi. Bạo hành trẻ không còn là vấn đề của đô thị hiện đại, khi bảo mẫu đối mặt với quá nhiều áp lực xã hội mà trút xuống đầu con trẻ; nó đã lan đến mọi địa phương, mọi ngóc ngách gia đình.
Tôi vẫn không hiểu khi giơ tay lên đánh con trẻ, liệu những bảo mẫu có hỏi rằng các con lớn lên sẽ sống cuộc đời thế nào? Bởi hành vi con trẻ sau này rất có thể là những bản sao phản chiếu những gì mà chúng chứng kiến hoặc bị đối xử lúc còn thơ bé… Sao mỗi ngày chúng ta sống lại phải đối mặt đầy rẫy bất an?... Tất cả bỗng trở thành những câu hỏi tu từ, không lời đáp.
Trong Kinh thánh, thánh Matthew có nói rằng “Ngươi phải yêu mến tha nhân như chính mình”. Nhưng dường như những lời rất đời ấy đã giảm đi ứng nghiệm trong xã hội chúng ta đang sống. Người và người có còn biết yêu thương nhau không?! Ngay cả khi chúng ta đọc những thông tin bạo hành trẻ em, điều xuất hiện đầu tiên trong ta cũng lại là mong muốn một sự trừng phạt, trả thù những bảo mẫu, kẻ bắt cóc… đó thôi. Liệu những điều tốt đẹp về bài học làm người có thấm sâu vào đầu óc, có chi phối hành vi của chúng ta rồi hình thành nên thói quen, tập quán văn minh, nhân ái?!
Ngày xưa, con trẻ được đến trường và vui vẻ hát ca “Cô giáo em, người xinh xinh, cô hay cười, mắt cô long lanh. Cô rất yêu dòng kênh xanh, uốn quanh cánh đồng thơm mùa lúa mới…”. Vậy ngày nay, đường đến trường của con chúng ta có được an toàn? Có được cô giáo yêu thương? Có không gặp người điên bất ngờ nhào ra tước đi mạng sống...
Người lớn sẽ luôn biết đời sống vốn như nhà thơ Mai Thảo viết: “Thế giới có triệu điều không hiểu - Càng hiểu không ra lúc cuối đời - Chẳng sao khi đã nằm trong đất - Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi”. Thế nhưng với con trẻ, đường đi chơi, đường đi học là sự bắt đầu cho một cuộc đời vui thì tại sao trên con đường đó, các con lại bị đón nhận đòn roi hoặc cái chết bất ngờ… “Sao trời” nào hiểu thấu các con đây?!
Với người dân, tất cả điều trên có lẽ chỉ là những câu hỏi tu từ. Còn với những nhà quản trị xã hội, những nhà hoạch định chính sách đó phải là những bài toán cần giải cấp bách để mang lại bình yên cho dân chúng.