Bắt mạch du khách: Đơn giản nhưng không dễ

Trong khi các cơ quan chức năng luôn lúng túng để giải quyết vấn đề này, đang có nhiều đơn vị tư nhân nỗ lực làm ra những sản phẩm văn hóa - nghệ thuật dành cho du khách quốc tế có hiệu quả.

Cách đây hơn ba năm, Sở VH-TT&DL TP.HCM đã đưa ra chương trình Sân khấu du lịch bao gồm một số trích đoạn cải lương do diễn viên trẻ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thực hiện nhằm cải thiện tình hình. Tuy nhiên, chỉ sau suất diễn đầu tiên, Sân khấu du lịch đã chết yểu do một số công ty du lịch cho rằng chương trình này thiếu chiều sâu nên không đưa khách tới.

“Buổi tối không biết dẫn du khách đi đâu”

Bà Trần Thị Hương, Giám đốc Công ty Du lịch Điểm Đến Việt chuyên phục vụ du khách quốc tế, cho hay: “Đưa khách đi giải trí vào buổi tối ở TP.HCM luôn là vấn đề nan giải đối với chúng tôi. Có những đoàn khách nước ngoài yêu cầu tôi làm riêng một tour về văn hóa - nghệ thuật cho họ nhưng tôi không dám nhận vì chương trình nghệ thuật - văn hóa của mình chẳng là bao. Tại Huế còn có đàn ca trên sông Hương và vùng Tây Bắc có múa hát các dân tộc ít người… nhưng ở TP.HCM gần như không có gì cho du khách xem”.

Nhận định trên được đông đảo người làm du lịch đồng tình. Tại TP.HCM hằng tuần gần như chỉ có các điểm diễn ca nhạc và kịch nói sáng đèn. Đây lại là những bộ môn nghệ thuật hiện đại, bắt nguồn từ Âu - Mỹ, mà đẳng cấp biểu diễn của ta khó theo kịp họ nên du khách quốc tế không quan tâm. Thứ du khách muốn xem là những nét văn hóa đặc trưng, những chương trình biểu diễn mang đậm bản sắc Việt Nam như tuồng, chèo, cải lương, hát bội, múa hát dân gian… Vậy nhưng những thứ này lại là hàng hiếm ngay cả với người Việt trong khi nước ta có đầy đủ các nhà hát tuồng, chèo, cải lương, đoàn ca múa nhạc dân tộc… Các đơn vị này vẫn đều đặn nhận tiền ngân sách Nhà nước để hoạt động hằng năm.

Bắt mạch du khách: Đơn giản nhưng không dễ ảnh 1

Hoạt cảnh Sài Gòn hiện đại với đủ loại tiếng rao: hột vịt lộn, kem, mì gõ, ve chai lông vịt… của người bình dân trongHồn Việt. Ảnh: HÒA BÌNH

Cái tầm không hẳn nằm ở quy mô

Ngày 15-11-2011, Công ty Mekong Artists của nghệ sĩ Linh Huyền đã cho ra mắt chương trình ca múa nhạc tổng hợp Hồn Việt dành cho khách du lịch nước ngoài. Ngay từ buổi ra mắt, chương trình đã nhận được nhiều tràng pháo tay tán thưởng của du khách quốc tế. Để có được những tiếng vỗ tay này, nghệ sĩ Linh Huyền đã bỏ nhiều công nghiên cứu thị trường và khổ công làm đi làm lại chương trình cho đạt. Chị đã thăm dò ý kiến chồng chị (người Ý) và họ hàng, bạn bè, khách hàng của chồng chị… đều là người nước ngoài đã từng đến Việt Nam. Từ những ý kiến đó, chị đã dựng một chương trình có những tiết mục mang đậm màu sắc lịch sử - văn hóa. Hồn Việt có truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, có lịch sử Hai Bà Trưng đánh quân Nam Hán, có trẻ mục đồng chăn trâu hát đồng dao, có đàn đá hoang sơ, có những đêm múa hát rộn ràng của trai gái núi rừng Tây Bắc, có ca trù Bắc Bộ, hát cung đình Huế, đờn ca tài tử ngọt ngào của miền Nam lẫn nhịp sống hiện đại của Sài Gòn... Chương trình có sự chu đáo, kỹ lưỡng trong đầu tư cảnh trí, đạo cụ: từ mô hình con voi, con trâu thật giống đến những bộ quần áo dân tộc mua từ chính người địa phương. Với tâm huyết phục vụ du khách thật tốt, trước khi chương trình ra mắt, những người thực hiện đã chủ trương mời khách nước ngoài tới xem, góp ý, chưa được chỗ nào thì làm lại chỗ đó.

Trước Hồn Việt khoảng gần 10 năm, họa sĩ Sĩ Hoàng có quán trà Điểm Một Thời nổi tiếng với hoạt động trình diễn thời trang áo dài xưa và nay, trang phục các dân tộc cùng những thể loại âm nhạc truyền thống… Nhờ đậm nét văn hóa Việt, Điểm Một Thời tồn tại suốt năm năm, từng là nơi đón tiếp nhiều đoàn khách và các vị khách ngoại giao quan trọng như Hoàng gia Thụy Điển, lãnh đạo các nước tham dự hội nghị APEC tại Việt Nam... Tiếc là hiện Điểm Một Thời không trụ được vì tiền thuê mặt bằng quá cao. Do vậy, họa sĩ Sĩ Hoàng đành chuyển mô hình này sang nhà vườn của anh ở quận 9, TP.HCM phục vụ những tour có khách đặt trước.

Từ salon đến ruộng đồng

Nắm bắt nhu cầu của du khách, gia đình nghệ sĩ Đức Dậu ở quận Gò Vấp, TP.HCM và nhà Trúc Mai của đôi nghệ sĩ Đinh Linh - Tuyết Mai ở quận Bình Thạnh, TP.HCM… với mô hình du lịch văn hóa tại gia đã ra đời. Tại các điểm trên chuyên biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc từ đàn đá, sáo trúc đến đàn bầu, đàn kìm… Việc khách có nhu cầu tìm hiểu sẽ được hướng dẫn sử dụng nhạc cụ tại chỗ càng làm tăng thêm sự thích thú của du khách.

Thậm chí có những Việt kiều Pháp tận dụng những kỳ nghỉ trong năm tổ chức đưa những nhóm nhỏ du khách Pháp về Việt Nam sống đời sống dân dã với các sinh hoạt đậm chất đồng quê như lội đồng bắt cá; hái rau; ngủ võng; nấu bếp rơm; đi chùa ngày rằm; đi đình xem hát bội ngày hội miễu, hội đình… Chính sự dân dã nhưng thấm đẫm nét văn hóa Việt trên đã hấp dẫn du khách nước ngoài, khiến họ vui vẻ móc túi trả phí bằng ngoại tệ, đồng thời sẵn sàng giới thiệu thêm bạn bè đến Việt Nam. Xem ra làm sản phẩm văn hóa - nghệ thuật dành cho du khách quốc tế cũng chỉ cần như thế: Bình dị mà đậm bản sắc văn hóa lịch sử của Việt Nam.

Hồn Việt diễn định kỳ vào chiều 15 và 23 hằng tháng tại Nhà hát TP.HCM.

Ngày chương trình ra mắt, có khá nhiều khách lẻ người nước ngoài từ “Tây ba lô” quần áo bụi bặm, ba lô khoác sau lưng đến “Tây sang” quần áo lịch lãm đi ngang Nhà hát TP.HCM tò mò mua vé vào xem. Họ thích thú vỗ tay và chụp ảnh lia lịa khiến nghệ sĩ đàn đá cao hứng biểu diễn thêm ngoài chương trình.

Bà Wilma Born đến từ Netherlands đi cùng vài người bạn vào xem đã vui vẻ trả lời Pháp Luật TP.HCM sau buổi diễn: “Tôi thích lắm! Tôi đi ngang, vào xem chỉ vì tò mò. Tôi hài lòng với số tiền bỏ ra mua vé vào xem chương trình (15 USD). Họ làm đẹp lắm!”.

Được biết nghệ sĩ Linh Huyền đã liên kết với nhiều công ty du lịch đưa khách đến xem chương trình.

Xa bản sắc dễ ngúc ngắc

Năm 2007, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã cho ra mắt nhà hát múa rối nước Rồng Vàng. Nhờ “bắt mạch” đúng thị hiếu du khách, sân khấu này luôn có lượng khách tương đối ổn định.

Năm 2009, bà bầu Hồng Vân của Sân khấu kịch Phú Nhuận đã đầu tư một khoản tiền lớn để làm chương trình Duyên Việt gồm ca nhạc - trình diễn thời trang áo dài và diễn kịch song ngữ Anh - Việt tại điểm diễn Super Bowl gần sân bay Tân Sơn Nhất, nhắm đến đối tượng khách nước ngoài. Nghệ sĩ Hồng Vân đã mời rất nhiều công ty du lịch và báo chí trong nước đến để tiếp thị bài bản cho chương trình của chị. Duyên Việt có chất lượng nghệ thuật khá, được báo chí đánh giá cao nhưng vẫn không thu hút được khách. Theo ý kiến của giới chuyên môn, đó là do Duyên Việt có nội dung quá hiện đại, bài hát mới, thời trang mới, kịch cũng mới với những tác phẩm không mang đậm bản sắc truyền thống.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm