Bất thường chủ tịch tỉnh kiêm chức vụ mới

Trong chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng đang đồng thời làm hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long, dẫu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã lưu ý như thế bên hành lang Quốc hội ngày 23-5 thì vẫn có đôi điều cần bàn.

Trả lời báo chí, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết việc UBND tỉnh công nhận ông Thắng kiêm nhiệm chức hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long (nhiệm kỳ 2020-2025) là đúng quy định vì ông Thắng có học vị tiến sĩ. Bên cạnh đó, hội đồng trường, giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cũng có đề nghị về việc này…

Phải nói ngay việc công nhận nêu trên của tỉnh có thể đúng quy trình chứ không thể đúng quy định như đại diện UBND tỉnh đã khẳng định. Đúng quy trình là vì hồ sơ công nhận hiệu trưởng ấy ắt hẳn được nhiều cơ quan chức năng lần lượt xét duyệt theo trình tự. Không đúng quy định là vì ông Thắng không hội đủ các điều kiện làm hiệu trưởng trường ĐH theo yêu cầu của Luật Giáo dục ĐH 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung bốn lần, lần sau nhất là năm 2018).

Theo Điều 20 luật trên, ngoài việc có trình độ tiến sĩ thì hiệu trưởng trường ĐH còn phải có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH. Vốn dĩ là chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại cổ phần rồi chuyển sang làm phó chủ tịch tỉnh, phó bí thư tỉnh và sau nữa là chủ tịch tỉnh nên ông Thắng không thể thỏa được tiêu chuẩn “có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH”. Và do vậy thì ông không đủ điều kiện làm hiệu trưởng trường ĐH.

Chuyện thiếu tiêu chuẩn luật định nên không thể làm hiệu trưởng từng xảy ra đối với trường hợp của giáo sư lừng danh Trương Nguyện Thành. Là tiến sĩ khoa học ngành hóa và tính toán do một ĐH ở Mỹ cấp, GS Thành đã giành được nhiều giải thưởng khoa học của Mỹ. Sau khi học tiếp sau tiến sĩ ngành mô phỏng cơ cấu sinh lý, ông làm giáo sư chính thức giảng dạy môn hóa lượng tử tại ĐH Utah (Mỹ). Cũng tại trường này, ông còn làm công tác tuyển sinh và quản lý sinh viên cao học khoa hóa. Lúc 41 tuổi, ông đã được Mỹ phong giáo sư cao cấp (cấp cao nhất trong ba cấp giáo sư ở Mỹ).

Ở Việt Nam, ngoài việc được người có thẩm quyền mời lập đề án thành lập Viện Khoa học và công nghệ tính toán TP.HCM, GS Thành còn có nhiều năm làm hiệu phó điều hành Trường ĐH Hoa Sen. Tuy được Hội đồng quản trị của trường này tín nhiệm cao trong cuộc họp bầu hiệu trưởng cho nhiệm kỳ 2017-2022 nhưng ông đã không được các cơ quan có thẩm quyền cho làm hiệu trưởng.

Lý do là Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực thời đó đòi hỏi hiệu trưởng phải là người đã có đủ năm năm quản lý cấp khoa, phòng của trường ĐH. Do bấy giờ không có văn bản quy định về mức độ tương đương cấp khoa, phòng của trường ĐH ở nước ngoài với ở Việt Nam nên các cơ quan chức năng không có đủ cơ sở để xác định. Vì lẽ này, xem như GS Thành đã không đáp ứng được yêu cầu “năm năm quản lý khoa, phòng” của luật.

Theo đó, khi GS Thành vì thiếu tiêu chuẩn luật định mà không được làm hiệu trưởng thì Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Thắng cũng bị thiếu tiêu chuẩn nên không thể khác hơn. Nếu để kéo dài việc ông Thắng kiêm nhiệm chức hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh đang tạo ra một ngoại lệ trái luật.

Thêm một vấn đề được đặt ra: Người sẽ thay thế ông Thắng làm hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long có nên là một phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực văn xã có học vị tiến sĩ đảm nhận kiêm nhiệm như ông Thắng đã thông tin với báo chí?

Thực ra, tính toán này không mới, vì từ lâu Quảng Ninh đã có chủ trương bố trí lãnh đạo tỉnh kiêm nhiệm chức hiệu trưởng để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo Trường ĐH Hạ Long. Trước khi ông Thắng kiêm nhiệm hiệu trưởng, một nữ phó chủ tịch UBND tỉnh cũng đã kiêm nhiệm chức vụ này. Cũng theo lời ông Thắng, sở dĩ phải duy trì sự kiêm nhiệm chứ không tuyển chọn người ngoài làm hiệu trưởng do trường vẫn còn được bao cấp…

Theo Luật Giáo dục ĐH đã nêu thì hiệu trưởng trường ĐH phải tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hợp tác trong nước, quốc tế. Hiệu trưởng còn phải trình văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hội đồng trường, hội đồng ĐH sau khi tổ chức lấy ý kiến của tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong trường. Hiệu trưởng cũng phải chịu sự giám sát của cá nhân, tổ chức có liên quan về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được giao...

Với việc “sẽ dành cho trường ít nhất một ngày/tuần” như ông Thắng đã nói với báo chí, thử hỏi người đang đứng đầu UBND tỉnh như ông (hay sắp tới là một phó chủ tịch tỉnh) có thể gánh vác tốt các nhiệm vụ nặng nề của hiệu trưởng trường ĐH? Ngoài ra, khi đang là người đại diện thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục ĐH theo phân cấp của Chính phủ, các cá nhân này sẽ tự kiểm tra vai hiệu trưởng của chính mình như thế nào để mọi người có thể tin tưởng về sự khách quan, thực chất? Xin được dẫn lại ý kiến ngày 23-5 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ để cùng thấy một đáp án xác đáng. Đó là Quảng Ninh phải nhanh chóng chấm dứt sự kiêm nhiệm rất không phù hợp luật định. Cụ thể hơn, theo lời của Bộ trưởng Nhạ, UBND tỉnh này cần xem xét chỉ đạo Trường ĐH Hạ Long sớm kiện toàn nhân sự hiệu trưởng chuyên trách để tập trung vào công tác quản lý, điều hành hiệu quả các hoạt động của trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm