Bất thường vụ mất hơn 11 tỉ trong tài khoản ngân hàng

Choáng và sốc là tâm lý của nhiều người dân khi biết tin lại có thêm một khách hàng bị mất hơn 11 tỉ đồng trong tài khoản của Ngân hàng VPBank.

VPBank cũng khẳng định vụ việc là “hết sức nghiêm trọng”, đồng thời đã báo cáo sự việc tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân, đang làm việc với phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: N.DŨNG

Nhiều câu hỏi còn treo lơ lửng

Sự việc càng ngày càng phức tạp khi thông tin trước sau bất nhất khiến dư luận cũng thấy khó hiểu.

Cụ thể là trả lời một số tờ báo mới đây, bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân (gọi tắt là Công ty Quang Huân), nói rằng số tiền trong tài khoản bị mất là 26 tỉ đồng.

Thế nhưng trong văn bản thông báo chính thức của VPBank thì con số lại là 11,3 tỉ đồng. Đây cũng chính là số tiền ghi trong đơn tố cáo của bà Xuân gửi đến báo Pháp Luật TP.HCM.

Trong đơn tố cáo, bà Xuân viết: “Sau khi về họp nội bộ, ông Phạm Văn Trinh, nhân viên công ty, đã thừa nhận toàn bộ sự việc giả mạo giấy tờ có sự giúp đỡ từ phía nhân viên ngân hàng để thực hiện trót lọt hành vi sai trái trên. Bước đầu xác minh số tiền mà ngân hàng đã để rút đi là 11,3 tỉ đồng. Trong đó, Nguyễn Huy Nhựt rút 1,5 tỉ đồng, Đỗ Đình Bảo rút 1,5 tỉ đồng và Phạm Văn Trinh rút 8,3 tỉ đồng”.

Vậy thực tế bà Xuân đã bị mất bao nhiêu tiền, 11,3 tỉ đồng hay 26 tỉ đồng? Tại sao phải tận ba tháng sau khi phát hiện số tiền lớn như thế trong tài khoản bị mất (tức là từ tháng 7-2015 nhưng mãi đến tháng 10-2015) ngân hàng mới nhận được đơn tố cáo?

Cũng theo phản ánh của bà Xuân, nhân viên của VPBank là Đoàn Thị Thúy Hằng đứng ra mua séc của công ty để tiếp tay cho Nguyễn Huy Nhựt, Đỗ Đình Bảo và Phạm Văn Trinh dùng séc đánh cắp tiền từ tài khoản của bà. Kiểm tra hồ sơ thì chữ ký mẫu không phải của bà, tức nghi vấn hồ sơ bị giả mạo chữ ký và con dấu. Bà Xuân cũng cho biết không nhận được bất cứ tin nhắn thông báo số dư tài khoản dù đã đăng ký Mobile Internet Banking ngay từ khi mở tài khoản.

Trong khi đó, VPBank khẳng định tất cả giao dịch, biến động số dư VPBank đều gửi tin nhắn SMS đầy đủ đến số điện thoại Công ty Quang Huân đã đăng ký. VPBank cũng cho hay ông Trinh thừa nhận chữ ký trong hồ sơ mở tài khoản là do ông này ký thay bà Xuân, do bà Xuân nhờ và việc nhờ này là bằng miệng. Còn con dấu do bà Xuân đóng.

Để giải đáp hàng loạt thắc mắc trên, ngày 25-8, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã nỗ lực liên lạc với bà Xuân nhưng bất thành. Gửi tin nhắn, bà Xuân cũng không trả lời.

Có kẽ hở?

Nhận định về vụ việc gây chấn động này, nhiều ý kiến cho rằng điểm quan trọng nhất của sự số trên nằm ở mẫu chữ ký và con dấu trong hồ sơ gốc đăng ký mở tài khoản. Ngoài ra, việc chuyển giao lại séc sau khi mua và tiền sau khi rút ra chuyển đến tay bà Xuân trên thực tế là có thực hay không. Đặc biệt, qua sự việc này cho thấy có thể có kẽ hở trong hoạt động ngân hàng.

Luật sư Huỳnh Trung Hiếu, Công ty Luật Hass-lawyers, cho rằng theo quy định hiện nay, việc cung ứng séc của ngân hàng phải thực hiện thông qua chủ tài khoản hoặc người được ủy quyền của chủ tài khoản để đảm bảo tính pháp lý. Việc ký phát hành séc cũng vậy, phải được chính chủ tài khoản hoặc người được ủy quyền hợp pháp thực hiện. Trong đó, thủ tục ký phát hành phải được đảm bảo và căn cứ trên chữ ký đã đăng ký (chữ ký mẫu) của người ký phát hành hoặc bên nhận ủy quyền thực hiện.

Đây là cơ chế kiểm soát bắt buộc gắn liền với quyền và nghĩa vụ trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó có ngân hàng tham gia cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Qua đó nhằm hạn chế, chống hành vi gian lận, thông đồng trục lợi giữa các cá nhân và tổ chức liên quan.

“Thực tế trong vụ việc trên, đang có nghi ngờ về việc có hay không hành vi giả mạo chữ ký trên séc, làm giả các tài liệu giao dịch (ủy quyền)? Có hay không nhân viên được cho là bên đã nhận ủy quyền từ chủ doanh nghiệp câu kết với cán bộ giao dịch ngân hàng nhằm ký đề nghị cung ứng, phát hành, thụ hưởng séc của Công ty Quang Huân?... Đây là những điểm cần được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ” - ông Hiếu nói.

Bên cạnh đó, trong vụ việc trên, nếu người đến giao dịch có séc khớp chữ ký mẫu và con dấu trong hồ sơ gốc đăng ký mở tài khoản đó thì giao dịch mới được thực hiện. Tuy nhiên, như tường trình của ông Trinh và nhiều nghi vấn đang đặt ra là chữ ký mẫu do người khác ký thay chủ tài khoản. Tức nó là chữ ký mẫu hồ sơ gốc và ngân hàng chấp nhận, xem đó là mẫu đăng ký, dùng để đối chiếu các giao dịch về sau. Đây cũng là điểm cần được cơ quan điều tra xác minh.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty luật SBLAW, đặt câu hỏi: “Số tiền 11,3 tỉ đồng mà nhân viên Công ty Quang Huân đã rút hiện ở đâu? Nhân viên này rút nhưng có đem về cho bà Xuân hay là chiếm đoạt tài sản? Cơ quan điều tra cần phải nhanh chóng làm rõ vụ việc và công bố thông tin cho người dân biết. Hiện đang bị nhiễu thông tin và điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trong việc gửi tiền vào ngân hàng”.

Bảo vệ khách hàng

Chiều qua (25-8), ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo phụ trách khu vực phía Nam của VPBank báo cáo vụ việc, hướng xử lý và phối hợp với công an khi cần thiết”.

Ngoài ra, ông Minh cũng cho biết đã yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn rà soát lại tất cả quy trình nội bộ về quản lý cũng như bảo vệ tiền gửi của khách hàng (cả tiền gửi thanh toán và sổ tiết kiệm). Các ngân hàng cũng phải khẩn trương phối hợp với cơ quan công an làm rõ các trường hợp phát sinh rủi ro đã xảy ra trên nguyên tắc phải bảo vệ quyền lợi và giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho khách hàng.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã có văn bản gửi công an và NHNN Chi nhánh TP.HCM yêu cầu làm rõ vụ khách hàng báo mất 26 tỉ đồng trong tài khoản. Trong văn bản này, lãnh đạo TP yêu cầu NHNN Chi nhánh TP.HCM phối hợp, hỗ trợ công an để giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan đến VPBank, kịp thời báo cáo thống đốc NHNN và UBND TP những vấn đề vượt thẩm quyền để phối hợp chỉ đạo xử lý.

_________________________________

Luật sư Huỳnh Trung Hiếu dẫn Thông tư 22/2015 của NHNN quy định hoạt động cung ứng và sử dụng séc nêu rõ: Chữ ký của người ký phát là chữ ký bằng tay trực tiếp trên tờ séc của người có quyền và nghĩa vụ đối với tờ séc hoặc người được ủy quyền lập và ký phát séc. Chữ ký của người ký phát phải bằng bút mực hoặc bút bi theo chữ ký mẫu đã đăng ký tại người bị ký phát, kèm theo họ tên và theo dấu (nếu có) của tổ chức trong trường hợp séc do người đại diện hợp pháp của tổ chức ký hoặc chữ ký điện tử (trường hợp xử lý thanh toán bằng điện tử).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm