Tình trạng người bán bày thịt bán ngay trên vỉa hè, dùng tay tiếp xúc trực tiếp với thịt… có lẽ không còn xa lạ với nhiều người dân. Tuy nhiên, việc buôn bán này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Việc buôn bán thịt trên các vỉa hè tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Không kệ, không dụng cụ che chắn, mà chỗ bán của những nơi này chỉ cần một tấm nhựa trải ngay dưới nền đất. Người bán vô tư dùng tay bóc thịt, bao nhiêu xe chạy qua chạy lại trên đường làm bao nhiêu bụi bẩn bám vào thịt.
Đa số những điểm bán thịt này bán từ sáng đến trưa. Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của thịt thì được người bán trả lời rằng “Đây là heo sạch, nhà nuôi nên mang xẻ thịt bán, vì vậy anh chị an tâm, không có bệnh, không cho ăn thức ăn công nghiệp nên thịt rất ngon”.
Chị PXT (một người bán thịt trên vỉa hè ở quận Tân Bình) cho biết “thỉnh thoảng có heo nhà giết tôi mới mang ra bán một lần, heo này nhà bà con tôi nuôi ở quê nên mang lên bán, heo chỉ ăn cỏ nên thịt ngon. Đảm bảo heo không bị bệnh gì. Lâu lâu tôi mới bán một lần nên cũng không kiểm dịch”.
Mặc dù tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng những nơi buôn bán này vẫn có khá nhiều khách đến mua, vì nhiều khách hàng cho rằng đây là heo sạch, giá rẻ, heo không sử dụng thức ăn công nghiệp nên ngon hơn. “Tôi hay mua thịt heo ở những nơi này, vì thịt heo ăn cỏ nên ngon hơn thịt heo ăn thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, giá bán của những nơi bán thịt này rẻ hơn so với thịt ở siêu thị, cửa hàng” - anh Văn Hùng (quận Tân Bình) cho biết.
Mặc dù cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp buôn bán thịt heo tự phát, buôn bán ở vỉa hè, lề đường nhưng tình trạng buôn bán này vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Điều này không chỉ coi thường kỷ cương pháp luật mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo luật sư Trần Vân Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc kinh doanh thịt heo như trên có hai hành vi vi phạm: Thứ nhất là hành vi trốn tránh kiểm tra thú y, thịt gia súc không được kiểm soát giết mổ bằng việc đóng dấu kiểm soát giết mổ lên thân thịt gia súc. Thứ hai là vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh bảo quản thực phẩm.
Khi có hành vi vi phạm nêu trên thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 6 Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y:
Cụ thể, trường hợp trốn tránh kiểm tra thú y, không thực hiện việc đóng dấu kiểm soát giết mổ lên thân thịt gia súc, gia cầm hoặc dán tem vệ sinh thú y, đánh dấu bao bì đã kiểm tra vệ sinh thú y sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Phạt tiền 60%-70% giá trị sản phẩm động vật nhưng không vượt quá 50 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật. Trong trường hợp kiểm tra vệ sinh thú y không đạt yêu cầu, buộc phải tiêu hủy hoặc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng.
Và xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 5 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 về vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Phạt tiền 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Nơi sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản không cách biệt với nguồn ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại và các yếu tố gây hại khác.