Lễ trao giải thưởng điện ảnh Oscar lần thứ 88 còn hơn một tháng nữa mới diễn ra nhưng hiện đang là vấn đề rất nóng. Khi danh sách đề cử Oscar năm nay được công bố, một làn sóng phản đối và kêu gọi tẩy chay lễ trao giải Oscar cũng diễn ra đồng thời. Lý do: Cả 20 diễn viên được đề cử cho các hạng mục diễn xuất đều là người da trắng, không có người da màu nào. Đáng nói hơn, việc này đã xảy ra hai năm liên tiếp.
Theo dự đoán của báo The Economist (Anh) thì chắc chắn các nhà tổ chức lễ trao giải Oscar 88 sẽ không để hội trường có một cái ghế trống nào - truyền hình trực tiếp không cho phép điều đó. Tuy nhiên, cũng chắc chắn buổi lễ sẽ vắng mặt rất nhiều gương mặt quen thuộc, phần lớn là các diễn viên da màu.
Chẳng khác cảnh sát bắn người da màu trên phố
Cùng với vợ chồng Will Smith còn có siêu sao gạo cội George Clooney, các nhà làm phim Mỹ như Spike Lee (da màu, từng đạt giải Oscar), Michael Moore (da trắng, từng đạt giải Oscar), diễn viên gạo cội William H. Macy (da trắng), nam diễn viên da trắng Dustin Hoffman hai lần đạt giải Oscar… cùng nằm trong làn sóng tẩy chay Oscar. Dustin Hoffman cho rằng: “Việc các diễn viên da màu không được đề cử có cái gì đó hao hao việc các thanh niên da màu bị cảnh sát giết trên đường phố”.
Nhiều diễn viên, nhà làm phim và cả khán giả Mỹ thậm chí còn kêu gọi diễn viên hài Chris Rock không tham gia dẫn chương trình.
Vợ chồng Will Smith đại diện cho luồng dư luận tẩy chay Oscar 88.
Tẩy chay Oscar là phân biệt chủng tộc với… người da trắng?
Ngôi sao da màu Will Smith, từng hai lần được đề cử Oscar, cho rằng cả 20 đề cử diễn xuất đều là người da trắng là điều quái dị, cho thấy ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ đang đi sai hướng. “Tôi cho rằng nước Mỹ xinh đẹp có sự đóng góp của người dân nhiều chủng tộc khác nhau và Hollywood là nơi đại diện rõ nhất cho sự đóng góp này. Oscar đã không cho thấy điều đó” - Will Smith nói.
Có làn sóng tẩy chay thì cũng có làn sóng phản đối tẩy chay. Nữ diễn viên da màu Janet Hubert, từng đóng cặp với nam diễn viên Will Smith trong phim The Fresh Prince of Bel Air, chỉ trích vợ chồng Will Smith là đạo đức giả, không tham gia lễ trao giải chỉ vì Will Smith không được đề cử.
Nam diễn viên da trắng Michael Caine từng hai lần đạt giải Oscar và nữ diễn viên da trắng Charlotte Rampling đang được đề cử Oscar năm nay khẳng định việc đề cử phải dựa trên tài năng chứ không phải chủng tộc. Phát biểu trên đài phát thanh Europe 1 (Pháp), nữ diễn viên Charlotte Rampling, 69 tuổi, cho rằng các diễn viên da màu không có trong danh sách đề cử là vì không xứng đáng, đồng thời cáo buộc ngược là làn sóng tẩy chay lễ trao giải Oscar thực chất là sự phân biệt chủng tộc đối với người da trắng.
Sau đó dù diễn viên Charlotte Rampling đính chính rằng lời bình luận của bà đã bị diễn giải sai nhưng cô Chelsea Clinton, con gái ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton, vẫn chỉ trích tuyên bố của diễn viên Charlotte Rampling xúc phạm người da màu, bất lịch sự và có tính gây hấn.
Thay đổi chấn động trong cơ cấu Oscar
Uy tín giải thưởng Oscar phần nào bị ảnh hưởng vì sự cố này. Truyền thông Mỹ đều nhận định việc cả 20 đề cử diễn xuất đều là người da trắng và xảy ra trong cả hai năm liên tiếp khó có thể là trùng hợp, mà là một vụ bê bối.
Tuy nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Mỹ (AMPAS) đã nhanh tay trong giải quyết khủng hoảng và giữ gìn hình ảnh. Tối 21-1, 51 thành viên AMPAS đã họp bất thường. Tin từ trang web Oscar.org của AMPAS cho biết ban lãnh đạo AMPAS đã thống nhất sẽ thay đổi cơ cấu thành viên theo hướng nhiều thành viên da màu hơn, thay đổi cơ cấu ban lãnh đạo, cũng như cơ cấu người có quyền bỏ phiếu trong AMPAS theo hướng đa dạng hơn. Oscar.org nhận định đây là quyết định mang tính lịch sử nhưng sẽ không ảnh hưởng đến danh sách đề cử và lễ trao giải Oscar năm nay.
Hiện AMPAS có 6.261 thành viên có quyền bỏ phiếu bầu cho giải thưởng Oscar. Tuy nhiên, theo quyết định tối 21-1, sắp tới các thành viên không còn hoạt động trong ngành điện ảnh ít nhất 10 năm sẽ không còn quyền bỏ phiếu bầu. Các thành viên AMPAS lớn tuổi đa số là người da trắng.
Danh sách thành viên AMPAS không công khai, tuy nhiên theo điều tra của báo Los Angeles Times năm 2012 thì 94% thành viên là người da trắng, thành viên da đen và gốc Latin chiếm chỉ 2%.
Có Oscar hay không cũng chẳng sao Trong khi hai phe kêu gọi tẩy chay và phản đối tẩy chay lễ trao giải Oscar tranh luận căng thẳng thì cũng có một bộ phận người không quan tâm lắm đến sự việc. Đề cử hạng mục Phim hay nhất năm nay thiếu phim Straight Outta Compton vốn được khán giả ở Mỹ hoan nghênh hơn cả phim The Revenant nhận được tới 12 đề cử. Vốn chẳng đánh giá cao giải thưởng Oscar ngay từ đầu, trong cuộc phỏng vấn của Đài truyền hình BBC (Anh) tối 22-1, nhà sản xuất Ice Cube (da màu) khá bàng quan: “Phim nhận vô vàn tán thưởng từ khán giả, hoàn toàn xứng đáng được đề cử Oscar phim hay nhất nhưng việc nó không được đề cử chẳng là vấn đề gì với tôi cả”. Khi được hỏi suy nghĩ thế nào về hai luồng dư luận tẩy chay, phản đối tẩy chay và ông có kế hoạch tham dự lễ trao giải Oscar năm nay không, ông Ice Cube cười lớn rằng ông chưa từng tham dự lễ trao giải Oscar nào và “bạn không thể tẩy chay một điều gì đó mà bạn chưa từng làm”. “Tôi không làm phim vì giải Oscar, mà cho người hâm mộ, cho khán giả. Và nếu Oscar có ghi nhận thì tốt thôi, còn nếu không thì cũng không cần phải chăm chú vào điều đó quá”. |