Bé gái ở TP.HCM bị dây ba lô quấn cổ nguy kịch khi đang chơi ở nhà trẻ

(PLO)- Tai nạn xảy ra khi bé gái đang ở nhà trẻ, tình cờ đến gần và đưa cổ vào dây treo của chiếc ba lô ở vách tường.   
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng Thành Phố (TP.HCM) cho biết vừa tiếp nhận một trường hợp bé gái (2 tuổi, ngụ ở Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) bị tai nạn hi hữu khi đang sinh hoạt ở nhà trẻ.

Khai thác bệnh sử, các bác sĩ ghi nhận chiều cùng ngày nhập viện, trẻ đang chơi ở nhà trẻ, tới gần chiếc ba lô có dây treo ở vách tường chơi và vô tình đưa đầu vào vòng dây ba lô qua cổ. Trẻ xoay người làm dây ba lô siết cổ trẻ, trẻ tìm cách thoát ra nhưng lại quay người tiếp tục làm dây ba lô quấn thêm. Các cô giáo phát hiện kịp thời gỡ dây ba lô khỏi cổ trẻ và nhanh chóng đưa đến BV Nhi Đồng Thành Phố.

Bé gái đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và đã qua nguy kịch. Ảnh: BVCC

Bé gái đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và đã qua nguy kịch. Ảnh: BVCC

Tại đây, các bác sĩ ghi nhận trẻ tím tái, lơ mơ, mê, gồng chi, trợn mắt, thở yếu, chấm xuất huyết quanh 2 mắt, trán 2 bên má, vết xây xát da vùng cổ phải dài 4 cm, rộng 0,5 cm. Trẻ được chẩn đoán tai nạn sinh hoạt do dây ba lô quấn cổ, suy hô hấp, thiếu oxy não, được đặt nội khí quản giúp thở, chống gồng giật, chống phù não, điều chỉnh nước điện giải, kháng sinh.

Xét nghiệm khí máu động mạch cho thấy có tình trạng toan chuyển hóa, tổn thương gan. Kết quả sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, được cai máy thở, thở oxy sau đó thở khí trời, tỉnh táo bú khá.

BS Tiến lưu ý phụ huynh mùa hè sắp tới ngoài việc lo phòng tránh bệnh dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, phụ huynh nên chú ý đến những tai nạn sinh hoạt trong nhà, nhà trẻ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên luôn có người trông coi trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 3 tuổi.

Hàng năm cứ vào dịp hè, BV Nhi Đồng Thành Phố tiếp nhận các trẻ ngạt nước, ong đốt, rắn cắn, phỏng, điện giật, uống nhầm hóa chất, dị vật đường thở, sặc sữa, sặc cháo, tai nạn té ngã, vết thương do vật sắc nhọn,… nên phụ huynh có con nhỏ hết sức cẩn thận thiết kế “ngôi nhà an toàn” cho trẻ “chơi, quậy phá” mà không phải lo lắng nhiều.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm