“Bạn có bao giờ lên kế hoạch nếu bạn hoặc người thân trong gia đình không may nhiễm COVID-19 chưa?
Vài ngày đầu khi có tin bạn sắp đánh số, các mối quan hệ xã hội xung quanh bạn sẽ quan tâm và bàn tán. Vài ngày tiếp theo, câu chuyện của bạn sẽ chìm vào quên lãng, chẳng còn ai quan tâm vì bệnh nhân không may bị đánh số liên tục xuất hiện với nhiều câu chuyện khác hơn.
Tôi cho rằng, thời điểm này nếu chẳng may bạn bị đánh số, bạn may mắn được cứu chữa. Nhìn qua các nước bạn thấy hạ tầng y tế quá tải, người bệnh la liệt. Mấy ai đủ sức để quan tâm họ số mấy khi nhìn đâu cũng có người bị nhiễm...”.
Anh Hồ Vi Đại Nghĩa viết trong Nhật ký covi ngày 6-8-2020, 11 ngày sau khi biết tin mình dương tính với virus SARS-CoV-2 và được định danh bệnh nhân 589.
Anh Nghĩa đã trải qua 40 ngày nằm viện, cách ly tại BV Bệnh Nhiệt đới và cơ sở cách ly tập trung của quận Tân Phú (TP.HCM).
Anh Nghĩa là một trong những trường hợp được phát hiện mắc COVID-19 sau khi đi trở về từ tâm dịch Đà Nẵng vào cuối tháng 7 năm 2020. Vợ anh sau đó cũng phát hiện mắc bệnh và trở thành bệnh nhân 601.
Mắc COVID-19 sau 99 ngày Việt Nam không có dịch trong cộng đồng và không rõ nguồn lây, tâm trạng anh Nghĩa ít nhiều hoang mang nhưng anh chọn công khai danh tính và tuyên truyền về ý thức tuân thủ phòng dịch trên trang cá nhân facebook mỗi ngày. Anh hi vọng nếu không may ai gặp phải trường hợp như anh sẽ có kinh nghiệm đối mặt tốt hơn và tốt nhất là đừng ai phải viết nhật ký như mình.
Hôm nay, ngày 23-1, tròn một năm kể từ ngày Việt Nam phát hiện hai ca bệnh COVID-19 đầu tiên là cha con người Trung Quốc đến từ Vũ Hán, anh Hồ Vi Đại Nghĩa đã có những chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về những trải nghiệm của bản thân trong và sau khi là bệnh nhân COVID-19.
. Phóng viên: Ngày 6-8-2020, anh có chia sẻ cảm thấy may mắn khi còn được đánh số, hiện tại số bệnh nhân đã lên hơn 1.000 ca, cảm xúc hiện tại của anh thế nào?
Lúc biết tin mắc bệnh và mang số 589, tôi rùng mình khi nhìn qua các nước hệ thống y tế bị quá tải bệnh nhân COVID-19, không thể đếm được có bao nhiêu người đã mắc, tôi cảm thấy mình may mắn khi hệ thống y tế Việt Nam vẫn còn chăm sóc được tốt cho người bệnh.
Hiện tại, dù số người bệnh đã lên hơn 1.000 ca nhưng hệ thống y tế nước ta vẫn đang kiểm soát dịch bệnh tốt, dù không còn là bệnh nhân nhưng tôi vẫn cảm thấy may mắn. Mới nhất là bệnh nhân nữ Việt Kiều nhập cảnh có dấu hiệu trở nặng đang được dốc toàn lực cứu chữa.
. Trở lại thời điểm bị mắc bệnh, ngay khi biết tin mình dương tính, anh đã chọn công khai (public) rộng rãi thông tin cá nhân. Là chủ một doanh nghiệp lớn, anh có ngại những thông tin này sẽ gây bất lợi cho mình?
Trước khi mắc bệnh, tôi cũng đọc và tìm hiểu nhiều về căn bệnh nhưng đến khi chính mình dương tính, tôi thực sự không có triệu chứng gì cả. Sau khi dương tính, tôi cũng chẳng thấy nhức đầu, sốt, ho, khó thở như báo chí miêu tả. Lúc này, tôi hiểu được có thể cũng có những người mắc COVID-19 mà không biết như tôi, khi ý thức phòng bị kém, họ có thể là nguồn lây tứ tán. Tôi muốn giải thích rộng rãi để càng nhiều người hiểu về mức độ nguy hiểm của căn bệnh hơn. Ai cũng nghĩ COVID ở đâu chứ không liên quan đến mình và tôi là một minh chứng điển hình.
Trong trạng thái bình thường mới ở thời điểm 99 ngày không xuất hiện COVID-19, khi họp ở công ty với anh em, tôi luôn nhắc mọi người rằng chúng ta thực sự chưa yên ổn, dịch có thể bùng phát và quay lại bất kỳ lúc nào nên anh em phải luôn sẵn sàng để ứng phó, kinh doanh... trong trạng thái bình thường mới này. Vậy mà tôi lại là người chủ quan nhất, tôi không hề phòng bị khi ra đường, không khẩu trang, không găng tay, chỉ ra sân bay ai đó bắt buộc thì mới đeo, ra khỏi sân bay chúng tôi lại quá vô tư vất bỏ. Tôi và gia đình bị nhiễm từ nơi sự chủ quan trong trạng thái bình thường mới. Đà Nẵng chỉ là thời điểm, chỉ là việc gì đến sẽ đến.
Bản thân tôi là chủ một doanh nghiệp thâm niên 15 năm nên có nhiều mối quan hệ xã hội, đối tác, tôi muốn công khai minh bạch thông tin mình mắc COVID để mọi người nắm được tình hình sức khỏe của tôi đang tiến triển tốt và xua tan tin đồn mang tính chất tiêu cực.
Qua đó, tôi cũng nhận được sự quan tâm của nhiều bạn bè, đối tác động viên khích lệ, họ chia sẻ hiểu thêm về căn bệnh và cảm thấy an tâm, không lo lắng bị lây nhiễm từ trường hợp của tôi.
. Công khai thông tin cá nhân, một phần là anh muốn xua tan tin đồn mang tính tiêu cực?
Khi tôi mắc bệnh, có nhiều tin đồn lắm.
Khi Bộ Y tế chưa công bố thông tin bệnh nhân là tôi, nhiều người đã nắm được lịch trình về bệnh nhân ở khu vực tôi sống, tất cả mọi người đã đồn đoán là tôi.
Tôi lại làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin nên tin đồn bị chia sẻ chóng mặt, trong đó nhân viên của tôi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chẳng hạn, có tin đồn tài xế của tôi khả năng cũng dính COVID. Trong khi đó, nhân viên này thường chở các đội triển khai dự án của công ty đến gặp gỡ khách hàng.
Thông tin đã gây hoang mang nhiều cho các đối tác của công ty. Do vậy, khi các nhân viên có kết quả xét nghiệm, tôi cũng đưa thông tin lên để cho khách hàng an tâm. Công ty tôi đang triển khai nhiều dự án lớn vào thời điểm đó, có hơn 100 nhân viên tại 3 vùng miền, nếu không cung cấp rõ ràng thông tin, các dự án có nguy cơ sẽ ngưng, khách hàng không dám tiếp xúc với nhân viên, công ty rơi vào khó khăn buộc cắt giảm nhân viên...là một trong những lý do tôi chọn public thông tin.
. Sau khi mắc COVID-19 anh có chia sẻ thông tin lên mạng và nhiều người cũng biết đến anh. Anh có thể chia sẻ một số kỷ niệm, câu chuyện sau khi anh trở nên “nổi tiếng”?
Đây là sự nổi tiếng bất đắc dĩ và tôi cũng không nghĩ là mình nổi tiếng. Đơn giản khi viết nhật ký, tôi chỉ muốn mô tả thực tế mình đang đối mặt vấn đề gì, đang gặp tình huống ra sao để bạn bè, gia đình hiểu rõ. Nhưng tôi may mắn khi nhận được sự đồng cảm của mọi người và được báo chí quan tâm nên nhiều người biết.
Chính vì nổi tiếng nên đi đến đâu, tôi cũng được rất nhiều người biết. Sau khi hoàn thành cách ly trở về, hai vợ chồng đi nghỉ tại một hòn đảo xa ở Nha Trang cũng có một đoàn du lịch nhận ra mình. Họ đến bắt tay chụp hình vì họ hâm mộ về sự dũng cảm và cách mà tôi chiến đấu với căn bệnh.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng liên hệ phỏng vấn về tinh thần chống dịch cũng như cách tôi làm cho mọi người an tâm, hiểu biết hơn và chống dịch hiệu quả hơn.
. Hiện tại, anh vẫn duy trì biện pháp phòng dịch cho bản thân anh, gia đình, nhân viên công ty và tiếp tục tuyên truyền việc phòng ngừa dịch COVID-19 ra sao?
Về việc tuyên truyền, tôi triển khai theo 2 hình thức: Thứ nhất, tôi chia sẻ những thông tin về dịch COVID-19 từ những nguồn tin chính thống để tất cả mọi người yên tâm và không hoang mang về căn bệnh. Thứ 2, tại công ty, tất cả những lối đi đều có khẩu trang và nước rửa tay. Tôi yêu cầu toàn bộ nhân viên đều phải tuân thủ việc phòng dịch từ làm việc cho đến giao dịch với khách hàng. Trong gia đình, tôi yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang.
Tôi cũng không áp dụng các biện pháp kỷ luật, chế tài vì đây là ý thức chung phổ biến trong cộng đồng, tôi hi vọng tất cả đều hiểu. Hiện tại, các doanh nghiệp đều ý thức phòng chống dịch bệnh nhưng mà doanh nghiệp của tôi, COVID-19 đã ghé thăm đến giám đốc rồi nên mọi người trong công ty gần như hiểu và tự ý thức được điều đó. Bởi lẽ, nếu như doanh nghiệp làm ăn được thì ngay chính các nhân viên cũng được lợi.
. Mặc dù Việt Nam đang kiểm soát dịch tốt nhưng Chính phủ vẫn còn hạn chế khá nhiều hoạt động. Bản thân là một công dân cũng đồng thời điều hành một doanh nghiệp, anh có gặp khó khăn trong thời gian này và cho rằng “cái khó ló cái khôn”?
Thời gian qua đúng là rất khó khăn. Các doanh nghiệp chỉ ảnh hưởng vì COVID-19 đã khó khăn còn doanh nghiệp của tôi, COVID-19 đã ghé thăm trực tiếp nên càng khó khăn hơn.
Nếu các doanh nghiệp khó khăn thì mình sẽ bán được hàng ít hơn, gần như doanh số thấp hơn. Có nhiều khách hàng là đối tác của tôi gặp khó khăn, có khách hàng đã không vực dậy được, mất khách hàng, công nợ của họ có khả năng chưa thu hồi được, phải chấp nhận giãn nợ cho họ.
Tuy nhiên cũng may mắn, ngành CNTT vẫn phát triển tốt trong thời điểm này vì tất cả các doanh nghiệp hoạt động online nhiều hơn, do đó cần hạ tầng CNTT nhiều hơn. Các nhân viên công ty cũng đã quen với môi trường làm việc online nên hầu như cũng theo sát được công việc. Tận dụng thời gian này, công ty tôi tập trung tái cơ cấu, chuyển đổi số từ các công cụ quản lý, đến việc nghiên cứu sản phảm và đào tạo. Do đó, doanh thu ổn và doanh nghiệp vẫn phát triển.
. Là một trong những bệnh nhân mắc COVID-19, anh đánh giá thế nào về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam thời gian qua. Nhà nước cũng có những gói hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn, anh có những mong muốn gì trong thời gian sắp tới?
Kết quả chống dịch của Việt Nam như thế nào thì đến giờ tất cả mọi người đều rõ khi hằng ngày tôi và các bạn đều ra đường, các hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân vẫn diễn ra trừ một số hoạt động đặc biệt bị hạn chế.
Các thông tin về dịch bệnh đều nhanh gọn, minh bạch. Tiếp nữa là người dân thường xuyên được tiếp cận thông tin về dịch bệnh nên ngày càng hiểu rõ hơn về căn bệnh, hiểu rõ hơn nên hầu như đã không còn hoang mang, sợ hãi.
Theo tôi, cái quan trọng nhất với doanh nghiệp không phải là các gói cứu trợ hỗ trợ mà là môi trường kinh doanh. Nếu mọi hoạt động đều diễn ra bình thường trong trạng thái mọi người tuân thủ tốt các biện pháp phòng thì đây chính là môi trường tốt nhất cho các doanh nghiệp làm ăn.
Nếu phải lockdown, cách ly xã hội diện rộng như các nước khác thì doanh nghiệp cũng sẽ tự chết dù có cứu trợ cách mấy. Xét ở tầm vĩ mô, tôi mong Nhà nước giữ được kết quả không có dịch COVID-19 lây lan ra cộng đồng như thời điểm hiện nay. Đó chính là môi trường kinh doanh tốt nhất mà doanh nghiệp mong muốn.