Bệnh nhân phản ánh bị u bì buồng trứng phải, bác sĩ mổ bên trái

(PLO)- Bệnh nhân phản ánh bị u bì buồng trứng phải, nhập viện chữa trị tại BVĐK tỉnh Quảng Nam, nhưng các bác sĩ mổ bên trái.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 9-5, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết BVĐK tỉnh Quảng Nam vẫn chưa báo cáo vụ việc theo yêu cầu của Sở về trường hợp bệnh nhân NTML (ngụ tại TP Tam Kỳ).

Bệnh nhân lo ngại mổ nhầm

Theo bà L, khoảng giữa tháng 4, bà đến BVĐK tỉnh Quảng Nam khám, bác sĩ chẩn đoán bị u bì buồng trứng phải, yêu cầu nhập viện. Tuy nhiên, lúc đó bà chưa đồng ý nhập viện và ra ngoài thực hiện xét nghiệm theo địa chỉ bác sĩ chỉ dẫn vì "bệnh viện hết hoá chất".

Để chắc chắn, hai ngày sau, bà L đến một bệnh viện ở TP Đà Nẵng siêu âm, bác sĩ vẫn chẩn đoán bị u bì buồng trứng phải, đề nghị nhập viện gấp để mổ.

“Tôi thấy kết quả siêu âm giống nhau, nên về BVĐK tỉnh điều trị cho gần nhà. Sáng 22-4, tôi đến nhập viện, họ hẹn sáng 23-4 sẽ mổ, lúc đó bác sĩ vẫn nói bị u bì buồng trứng phải”, bà nói.

Theo bà L, khi lên bàn mổ, bác sĩ hỏi thì bà trả lời "bị u bì buồng trứng phải". Xong ca mổ, bà được đưa về khoa điều trị.

5 ngày sau (28-4), bác sĩ cho bà L đi siêu âm kiểm tra. Tại đây các bác sĩ có những trao đổi với nhau mà bà không hiểu được, bà thắc mắc. Sau đó bà về khoa và được điều dưỡng hướng dẫn, nếu có thắc mắc bác sĩ sẽ trao đổi với người nhà. Ngày 29-4, bà L ra viện về nhà.

“Đến hẹn, ngày 2-5, tôi đến bệnh viện xin giấy ra viện. Họ đưa cho tôi giấy phẫu thuật ghi là bóc u bì buồng trứng trái”, bà L nói.

Bà cho rằng, nếu trong quá trình mổ phát hiện u bên trái thì phải gọi người nhà vào trao đổi. Nhưng bác sĩ không hề tư vấn cho bệnh nhân, cũng như thông báo cho người nhà.

u-bi-bi-trung-phai-2.jpeg
BVĐK tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TN

Do công tác tư vấn cho bệnh nhân chưa tốt

Ngày 9-5, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết BVĐK tỉnh Quảng Nam đã nhận được báo cáo về quá trình điều trị của bệnh nhân NTML (ngụ TP Tam Kỳ). Báo cáo do ông Nguyễn Tam Thăng, Phó Giám đốc bệnh viện ký.

Theo báo cáo, bà L vào viện với lý do u buồng trứng; kết quả siêu âm (cũ, ngày 16-4) bị u nang buồng trứng phải.

Ngày 22-4, bệnh nhân L được khám cận lâm sàng, kết quả buồng trứng (P) bình thường, buồng trứng (T) có khối Echo hỗn hợp có bóng lưng KT 48x51mm. Bác sĩ kết luận bệnh nhân bị u bì buồng trứng trái.

Biên bản hội chẩn phẫu thuật lập lúc 16 giờ 15 phút ngày 22-4, bệnh nhân tỉnh, sinh hiệu ổn; tim phổi chưa phát hiện bệnh lý; kết luận u nang bì buồng trứng phải.

Ngày 23-4, bác sĩ chẩn đoán trước phẫu thuật bệnh nhân bị u bì buồng trứng phải, phẫu thuật nội soi.

Tường trình phẫu thuật, vào trocart quan sát thấy tử cung bình thường, phần phụ phải bình thường. U nang bì buồng trứng trái kích thước 3x4cm. Tiến hành bóc u nang bị buồng trứng trái. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị u nang buồng trứng trái.

Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân chuyển về Khoa Phụ sản lúc 13 giờ ngày 23-4. Bệnh nhân được xuất viện ngày 29-4.

Báo cáo thể hiện, dựa vào kết quả siêu âm, chẩn đoán khi hội chẩn: u bì buồng trứng phải, tuy nhiên khi phẫu thuật, phẫu thuật viên nội soi thám sát ổ bụng phát hiện u bì buồng trứng trái. Phẫu thuật viên tiến hành bóc u và gửi bệnh phẩm làm giải phẫu bệnh đúng quy định.

“Tuy nhiên tại thời điểm trong mổ, phẫu thuật viên có thám sát buồng trứng phải qua nội soi ổ bụng nhưng không thấy khối u ở buồng trứng phải như ghi nhận trong bản tường trình phẫu thuật.

Việc chẩn đoán vị trí u bình thường trên siêu âm trước mổ thường không thể chính xác tuyệt đối.

Vấn đề này, bệnh viện nhận định kết quả siêu âm chỉ giúp định hướng chẩn đoán, nên việc nội soi thám sát ổ bụng phát hiện u bì buồng trứng trái giúp chuẩn đoán xác định, đã thể hiện rõ ở phiếu tường trình phẫu thuật và kết quả giải phẫu bệnh”, báo cáo nêu.

BVĐK tỉnh Quảng Nam, thừa nhận công tác tư vấn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân chưa tốt, nhất là khi có thay đổi chẩn đoán, phương pháp mổ, sau phẫu thuật và khi ra viện.

Báo cáo kết luận, Khoa Phụ sản chưa tuân thủ quy trình phẫu thuật, khi có thay đổi chẩn đoán, phương pháp mổ phải tư vấn cho người bệnh và người nhà bệnh; đánh giá tổn thương còn hạn chế.

Công tác tư vấn cho người bệnh và người nhà bệnh chưa tốt, nhất là khi có thay đổi chẩn đoán, phương pháp mổ, sau phẫu thuật và khi ra viện, làm cho người bệnh hoang mang, lo lắng và thắc mắc.

“Lãnh đạo Khoa Phụ sản, phẫu thuật viên và các cá nhân có liên quan nhận thấy còn thiếu sót nên cần phải trực tiếp xin lỗi người bệnh; Khoa Phụ sản có trách nhiệm theo dõi và tư vấn cho người bệnh tiếp theo”, báo cáo nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm