Bệnh nhân “cực chẳng đã” mới vượt tuyến!

Theo đánh giá của các bệnh viện (BV), bệnh nhân vượt tuyến thời gian qua không những không giảm mà ngày càng tăng. Dù phải chịu cực khổ đi đường, tốn kém thời gian, tiền bạc, nếu là bệnh nhân BHYT thì chỉ được thanh toán 30% chi phí nhưng họ vẫn vượt tuyến... Đó là điều “cực chẳng đã” họ phải làm. Vì sao?

“Chữa hoài ở dưới không hết!”

BV Chợ Rẫy mỗi ngày có khoảng 4.000 bệnh nhân đến khám, trong đó số người đi trái truyến, vượt tuyến chiếm gần 80%. BV ĐH Y Dược TP.HCM mỗi ngày có trên 5.000 lượt khám và đa số cũng là bệnh nhân vượt tuyến.

Tại BV Chợ Rẫy, ông Trần Văn Hai, một bệnh nhân đến từ Đắk Lắk, vừa xếp hàng chờ khám vừa than thở: “Không có người dân nào muốn đi xa chữa bệnh để phải chầu chực, xếp hàng dài như vầy. Do ở chỗ tôi dịch vụ y tế quá yếu kém, chữa hoài không hết bệnh. Lên tuyến trên biết là đông nhưng vẫn chấp nhận thôi!”. Bên cạnh ông là bà Bùi Thị Mai (62 tuổi, ở Tây Ninh), bà cho biết việc vượt lên tuyến trên điều trị vì “bị đau đầu nhưng chữa hoài ở dưới không hết”.

Dù biết phải chờ đợi, chen lấn cực khổ nhưng bệnh nhân vẫn chấp nhận vượt tuyến. Ảnh: TÙNG SƠN

Không chỉ tuyến BV Trung ương mà các BV hạng 1 tuyến TP.HCM cũng nhận phần lớn bệnh nhân đến khám, chữa bệnh trái tuyến. Chị QKH (ở An Giang) có hai con bị sốt cao, ói, đau đầu nhưng tuyến dưới chẩn đoán… viêm họng, chỉ cho truyền nước biển. Sau vài ngày điều trị nhưng không hết, chị đã tự đưa thẳng hai con lên BV Nhi đồng 1. Tại đây, hai cháu được chẩn đoán là viêm màng não do virus! Chị H. nói: “Tui mà chậm một ngày nữa là nguy cho tụi nhỏ rồi!”.

Hằng ngày, khoảng 5-6 giờ sáng, tại các BV Chợ Rẫy, ĐH Y Dược, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh nhiệt đới… có hàng chục xe loại 16-27 chỗ đưa bệnh nhân các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre… đến khám bệnh và chiều đón về. Trong số họ đa phần không mắc bệnh nặng, chỉ nhức đầu, ho, đau lưng… nhưng chữa hoài ở địa phương không hết.

Thuốc tuyến dưới không… chất lượng

Việc người bệnh không tin vào tuyến dưới không chỉ do tay nghề bác sĩ, kỹ thuật không cao mà họ còn cho rằng là thuốc BHYT ở tuyến dưới ít và không “chất lượng” bằng tuyến trên. Trong những lần tiếp xúc cử tri, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng từng nhận được phản ánh này của người bệnh.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nhìn nhận có sự phân biệt việc sử dụng thuốc ở tuyến dưới và tuyến trên như bà con phản ánh. Theo ông, một số quy định sử dụng thuốc hiện nay cần phải sửa đổi. Chẳng hạn Thông tư 31-2011 của Bộ Y tế về “Ban hành và hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán” quy định: Thuốc tân dược được sử dụng theo phân hạng BV, thuốc chuyên khoa được sử dụng theo phân cấp quản lý và thực hành y tế và quỹ BHYT chỉ được thanh toán theo quy định này. Chính những quy định này khiến nhiều bệnh nhân chấp nhận vượt tuyến, vì ngoài việc được bác sĩ giỏi khám thì họ được cho thuốc nhiều và tốt hơn. “Về kỹ thuật chuyên môn thì phân tuyến là hợp lý, còn thuốc thì tuyến nào cũng phải được sử dụng như nhau. Bởi không có loại bệnh tim mạch, huyết áp nào là của trung ương và loại nào là của địa phương; bệnh là như nhau nên không có chuyện cho thuốc khác nhau” - PGS-TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Thông tư 31-2011 nói trên còn quy định: Đối với thuốc điều trị ung thư, chỉ những bác sĩ được đào tạo, tập huấn điều trị ung thư thì mới được chỉ định. “Chính vì điều này khiến cho BV Ung bướu quá tải lại thêm quá tải. Bởi lâu nay có nhiều BV điều trị được ung thư nhưng theo quy định này thì bác sĩ của họ nếu chưa được đào tạo, tập huấn thì BHYT không thanh toán. Do vậy, bao nhiêu bệnh nhân của họ được chuyển hết sang BV Ung bướu” - BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết.

DUY TÍNH

“Đã là một bệnh thì thuốc điều trị phải như nhau, nếu không thì bệnh nhân sẽ lên tuyến trên hết. Đây là vấn đề gốc phải giải quyết kể cả nội trú lẫn ngoại trú”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo như trên tại buổi làm việc giải quyết tình trạng quá tải tuần qua tại TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo các BV tuyến trung ương gấp rút xây dựng các BV vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Trong tuần này hoặc tuần sau, bộ trưởng sẽ ký quyết định yêu cầu BV tuyến trung ương cử bác sĩ luân phiên xuống các BV tỉnh khám, chữa bệnh. “Trong năm nay, không thể để tiếp diễn tình trạng bệnh nhân chỉ đau đầu, chóng mặt… mà 4-5 giờ sáng bắt xe từ miền Tây lên TP.HCM khám bệnh” - bộ trưởng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm