Vừa qua, các bác sĩ đơn vị Tạo hình niệu đạo (Bệnh viện Bình Dân) cùng phái đoàn Giáo sư Joel Gelman (Đại học UC Irvine, California, Hoa Kỳ) đã phẫu thuật tạo hình niệu đạo cho bệnh nhân bị hẹp niệu đạo phức tạp.
Thoát cảnh mang ống thông tiểu
Bệnh nhân là NVN (65 tuổi, ngụ Long An) bị hẹp niệu đạo nặng kèm sỏi niệu đạo gây tiểu khó đến bí tiểu. Năm 2022, người bệnh đã từng phải trải qua nội soi ngược chiều để tán sỏi kẹt niệu đạo.
Trước đó, bệnh nhân có các triệu chứng như tiểu lắt nhắt kèm đau rát niệu đạo, từng đi khám và được nội soi tại một bệnh viện địa phương. Tuy nhiên, sau phẫu thuật lần đầu, dù được lấy sỏi niệu đạo nhưng bệnh nhân vẫn còn tiểu khó kéo dài, tiến triển ngày càng nặng đến mức hoàn toàn bí tiểu.
Do đó, bệnh nhân đã được phẫu thuật mở bàng quang ra da để dẫn lưu nước tiểu (mang ống thông tiểu). Chưa hết, bệnh nhân còn có các bệnh nền bao gồm gút và tăng huyết áp.
Tại Bệnh viện Bình Dân, bệnh nhân được phẫu thuật tạo hình niệu đạo tận - tận, là phương pháp áp dụng cho tình trạng hẹp niệu đạo ngắn, hướng về phía tuyến tiền liệt ở niệu đạo hành hoặc niệu đào màng.
Ê-kíp phẫu thuật dùng các phương tiện hiện đại như ống nội soi mềm đánh giá đoạn hẹp và tính toán phương án tốt nhất để tạo hình. Sau hai giờ phẫu thuật, bệnh nhân được tạo hình niệu đạo thành công, thoát khỏi cảnh mang ống thông tiểu.
Người bị bệnh hẹp niệu đạo ngày càng tăng
Bác sĩ Đỗ Lệnh Hùng, Trưởng đơn vị Niệu đạo Bệnh viện Bình Dân, cho biết số lượng ca bệnh hẹp niệu đạo đến Bệnh viện Bình Dân điều trị ngày càng tăng. Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hơn 800 ca phẫu thuật hẹp niệu đạo và khoảng 10.000 lượt đến khám và điều trị.
Theo bác sĩ Hùng, hẹp niệu đạo tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á thường xảy ra sau gãy khung chậu khi bệnh nhân gặp tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn xe máy, té ngồi trên mạn ghe thuyền, tai nạn lao động.
Hẹp niệu đạo gây ra khó khăn trong việc sinh hoạt của bệnh nhân vì tình trạng tiểu rặn, tiểu khó, thậm chí phải cấp cứu khi bí tiểu hoàn toàn. Đáng nói, nhiều bệnh nhân phải mang ống thông tiểu với mùi khai bên mình. Từ đó sẽ không có được chất lượng sống tốt được, chưa kể đến vấn đề tình dục, sức khỏe sinh sản, tâm lý, khả năng lao động.
“Bệnh lý hẹp niệu đạo tuy không gây tử vong trực tiếp nhưng để lại những di chứng, hậu quả nặng nề về mặt tâm lý, sinh hoạt vì tình trạng rối loạn đường tiết niệu dưới, cùng những biến chứng nhiễm trùng tiết niệu.
Điều này không những làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, mà còn tăng gánh nặng cho xã hội khi nhóm bệnh nhân chủ yếu ở độ tuổi lao động” - BS Hùng chia sẻ.
PGS-TS-BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, cho biết trong điều trị hẹp niệu đạo, nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật có thể gây hẹp tái phát. Điều này khiến người bệnh phải phẫu thuật nhiều lần hoặc chịu cảnh mang thông tiểu suốt đời.
Tại các nước không có chuyên gia tạo hình niệu đạo được đào tạo tốt, trang thiết bị chuyên dụng, tỉ lệ thành công thường thấp dưới 16%.
Giáo sư Gelman Joel là chuyên gia phẫu thuật tạo hình niệu đạo từ Đại học UC Irvine (California, Hoa Kỳ). Ông từng chuyển giao kỹ thuật và cập nhật các kiến thức mới về tạo hình niệu đạo cho Bệnh viện Bình Dân và các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia... gần 10 năm qua.
Từ năm 2014 đến nay, Bệnh viện Bình Dân được định kỳ chuyển giao kỹ thuật tạo hình niệu đạo từ giáo sư Gelman Joel (Hoa Kỳ). Đến nay, giáo sư đã hướng dẫn trực tiếp tổng cộng hơn 100 trường hợp phẫu thuật tạo hình niệu đạo, giúp phục hồi cuộc sống bình thường cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bình Dân.
“Hiện Bệnh viện Bình Dân đã hoàn thiện các quy trình, trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng các yêu cầu gần như tương đương với phẫu thuật tạo hình niệu đạo tại Hoa Kỳ. Về chiến lược lâu dài, chúng tôi định hướng xây dựng khoa Phẫu thuật tạo hình niệu đạo, trung tâm huấn luyện về phẫu thuật tạo hình niệu tạo tại khu vực để giúp nhiều người bệnh được điều trị triệt để tình trạng hẹp niệu đạo” - bác sĩ Hoàng nói.