Nói về cơ duyên mở lớp vẽ trong Bệnh viện An Bình, Tiến sĩ Lê Khánh Điền, Trưởng khoa Phục hồi chức năng nhớ về khoảng thời gian hơn 10 năm trước. Khi có dịp tìm hiểu về ngành y ở một số quốc gia như Úc, Mỹ, Anh, ông nhận thấy các bệnh viện tại đây thường xuyên tổ chức các lớp mỹ thuật cho bệnh nhân và mang lại hiệu quả tốt. Từ đó, tiến sĩ Lê Khánh Điền đã đem mô hình này về thực hiện tại Việt Nam với hy vọng mang đến những điều tuyệt vời cho bệnh nhân của mình. Đến nay, lớp học vẽ đặc biệt đã hoạt động được 11 năm, chỉ tạm nghỉ trong thời gian xảy ra dịch Covid-19.
Những học viên đến tham gia đều là những người khó giao tiếp, chân tay yếu ớt sau đột quỵ, chấn thương sọ não, sa sút trí tuệ, chậm phát triển. Họ mượn màu sắc, đường nét của hội hoạ để diễn tả cảm xúc, suy nghĩ của riêng mình.
Số lượng bệnh nhân đến với lớp học không cố định, có lúc đông, có lúc chỉ có từ 2-3 người đến vẽ tranh. Bởi lẽ các bệnh nhân thường có bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, xương khớp, tim mạch,… nên không thể kỳ vọng tất cả đều đến tham gia đầy đủ.
Tất cả giấy vẽ, bút cọ, màu nước, những dụng cụ cần thiết của lớp vẽ đều được chuẩn bị miễn phí. Người bệnh chỉ việc đến để tham gia và hoàn thành những bức vẽ mình yêu thích.
Buổi học vẽ diễn ra từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ sáng thứ 6 hàng tuần. Ngoài các y bác sĩ tại khoa, mỗi buổi sẽ có 3 - 4 tình nguyện viên là sinh viên ngành mỹ thuật của Đại học Sài Gòn và Đại học Kiến trúc TP.HCM đến hỗ trợ tại lớp học vẽ đặc biệt này.
Bạn Kiều Nhật Băng, sinh viên ngành Sư phạm mỹ thuật, Trường Đại học Sài Gòn cho biết, thông qua đăng ký tại trường, các sinh viên sẽ đến bệnh viện hỗ trợ các học viên vẽ tranh.
"Chúng em sẽ hướng dẫn mọi người từ những bước đơn giản nhất để hoàn thành một bức tranh, dần về sau sẽ nâng dần các bức tranh có mức độ khó hơn", Nhật Băng chia sẻ.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Lê Khánh Điền, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình, một trong những điều quan trọng của lớp vẽ là mô hình mỹ thuật nhóm. Hiệu quả phục hồi vận động và tính tích cực được lan tỏa hơn khi các y, bác sĩ, tình nguyện viên và người nhà cùng hỗ trợ các bệnh nhân hoàn thành bức tranh của mình.
Tiến sĩ Lê Khánh Điền chia sẻ thêm, lớp học hoàn toàn miễn phí, xuyên suốt 11 năm qua nhờ một mạnh thường quân vẫn âm thầm tài trợ tất cả các dụng cụ vẽ của lớp. Mong muốn bệnh nhân sẽ đến với lớp vẽ nhiều hơn và mô hình này càng ngày sẽ được nhân rộng để các bệnh nhân ở những nơi khác cũng có cơ hội học vẽ.
"Cứ đến sáng thứ 6 là cậu ấy bảo mẹ cho chuẩn bị đồ đẹp để đi vẽ, mỗi tuần sẽ vẽ một bức tranh. Vui và hạnh phúc nhiều lắm!", bà Nga cho biết,
Suốt 11 năm qua, việc duy trì lớp học vẽ đặc biệt, phục hồi vận động cho các bệnh nhân tại Bệnh viện An Bình là một hành trình không dễ dàng. Tất cả là tâm huyết của đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện, nhà hảo tâm, các tình nguyện viên và gia đình bệnh nhân.
Theo chia sẻ từ phía khoa, thời gian tới khi đủ điều kiện hơn, lớp học vẽ đặc biệt sẽ mở rộng nhóm đối tượng tham gia, đón tiếp nhiều bệnh nhân hơn nữa đến với lớp vẽ.