Thông tin được đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nêu ra tại Hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm 2024, tổ chức ngày 24-1.
Cụ thể, bệnh dại ghi nhận 82 trường hợp tử vong, tăng 12 trường hợp so với năm 2022. Các địa phương ghi nhận số ca tử vong cao là Gia Lai, Nghệ An, Bình Phước, Điện Biên, Bến Tre.
Bệnh sốt xuất huyết có hơn 172.000 ca mắc, 43 ca tử vong, giảm 53,8% số ca mắc và 72,4% số ca tử vong so với năm 2022. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước.
Bệnh tay chân miệng có gần 181.000 ca mắc, 31 ca tử vong. So với năm 2022, số ca mắc tăng gấp 2,7 lần, số tử vong tăng 28 trường hợp. TP.HCM ghi nhận số ca mắc nhiều nhất cả nước với 50.161 ca - gấp 4,5 lần địa phương có số ca mắc cao thứ hai là Đồng Nai với 10.968 ca.
Cả nước cũng ghi nhận 57 ca mắc bệnh bạch hầu, trong đó 7 ca tử vong, xảy ra cục bộ tại một số địa phương khu vực miền núi phía Bắc.
Có 137 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ (2 ca ghi nhận năm 2022), 6 trường hợp tử vong. Các ca mắc và tử vong đều ghi nhận tại khu vực phía Nam, chủ yếu tại TP.HCM.
Bệnh sốt rét có 448 ca mắc, 2 ca tử vong, giảm 1,5% so với năm 2022.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca nhiễm COVID-19 cùng sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác.
“Trong tháng 12-2023, thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do COVID-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng trước đó. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, chưa ổn định”, bà Lan nói.
Trong nước, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, các bệnh đường hô hấp, cúm mùa cũng đang phát sinh nhiều trong thời điểm cuối năm. Thời gian qua, TP. Hà Nội ghi nhận sự gia tăng số lượng bệnh nhân mắc cúm A, cúm B.
Trong khi đó, hiện nay là thời điểm mà nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết khắc nghiệt, thất thường. Đây là tác nhân làm gia tăng bệnh đường hô hấp và bệnh truyền nhiễm nói chung.
“Chúng ta không lo lắng nhưng phải chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm đón Tết an toàn, cũng như để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2024 chủ động, hiệu quả”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng nhận định hiện nay tình hình các dịch bệnh diễn biến chưa ổn định, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi tiếp tục xuất hiện, các biến chủng mới và tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi.
Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, công tác nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh hiện nay còn hạn chế; thiếu thông tin, dữ liệu để hỗ trợ thực hiện phân tích, đánh giá, cảnh báo dịch. Đồng thời, tỉ lệ tiêm chủng ở một số nơi còn thấp, chưa đạt tiến độ đề ra, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, công tác mua sắm, đấu thầu còn khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu vaccine, sinh phẩm, một số quy định về tài chính chưa có hướng dẫn hoặc chưa cụ thể.
Trong năm 2024, Bộ Y tế cho biết tiếp tục theo dõi chặt chẽ, bám sát các diễn biến tình hình các bệnh truyền nhiễm; tăng cường đánh giá, phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh.
Bộ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng, tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh; các quy định, hướng dẫn về cơ chế tài chính, công tác mua sắm, đấu thầu.
Tổ chức tốt các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân, triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị.