Sáng 21-5, trong vai người nhà bệnh nhân đang điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM, PV Pháp Luật TP.HCM đến bộ phận hỗ trợ khách hàng của BV liên hệ xe cứu thương chở người nhà về.
Giá dịch vụ cao hơn bảng giá bệnh viện quy định
Cô nhân viên bộ phận hỗ trợ khách hàng gọi điện thoại bàn cho ai đó rồi đưa điện thoại cho PV nói chuyện. Khi biết khách cần về Hóc Môn (TP.HCM), người đàn ông đầu dây bên kia ra giá 700.000 đồng. Khi đưa cho PV cuốn sổ ghi thông tin bệnh nhân cùng tờ phiếu đặt chỗ có số điện thoại 0917185115, cô nhân viên dặn dò: “Cần xe chở bệnh nhân anh cứ liên lạc số này. Tiền trả cho tài xế khi tới nhà”.
Trong khi đó, biểu giá dịch vụ vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương của BV Chợ Rẫy TP.HCM từ năm 2015 quy định rõ đơn giá vận chuyển theo thỏa thuận tại TP.HCM từ 200.000 đến 500.000 đồng tùy quận/huyện. Theo bảng giá này, số tiền cao nhất BV được phép thu là 500.000 đồng.
Cùng ngày, một phụ nữ tên Thanh đặt một xe cứu thương của BV Chợ Rẫy TP.HCM chở người thân về Hóc Môn. Tuy nhiên, số tiền mà bà phải trả lên tới… 800.000 đồng. Sau khi biết BV Chợ Rẫy TP.HCM đã tính cao hơn giá quy định 300.000 đồng, bà Thanh buồn buồn: “Tôi dân quê biết gì, BV nói sao tôi trả vậy”.
Trước đó, vào ngày 8-3, ông Danh cũng phải trả BV Chợ Rẫy TP.HCM 900.000 đồng cho chuyến xe cứu thương chở người thân về nhà ở huyện Củ Chi (TP.HCM). “BV Chợ Rẫy TP.HCM đã thu của tôi số tiền gần gấp hai so với giá quy định của BV. Với người dân lao động như tôi, 400.000 đồng không phải nhỏ” - ông Danh nói.
Tương tự, bà Thu cũng từng phải cắn răng trả 1 triệu đồng cho chuyến xe cứu thương từ BV Chợ Rẫy TP.HCM về Củ Chi. “BV nói nhiêu tôi trả nhiêu. Giờ mới biết giá BV quy định cao nhất là 500.000 đồng, vậy mà tôi đã phải trả gấp đôi đó” - bà Thu than.
Xe cứu thương do nhiều tài xế đội xe BV Chợ Rẫy TP.HCM hùn mua đang nhận bệnh nhân để chở về nhà. Ảnh: TRẦN NGỌC
Ưu tiên điều động xe cá nhân
Trong quá trình thu thập tài liệu viết bài, PV được biết vài tài xế đội xe BV Chợ Rẫy TP.HCM là người điều hành xe cứu thương và có quyền đưa ra giá vận chuyển. Các cá nhân là chủ của tám xe cứu thương, mỗi tháng đóng cho BV 19% doanh thu, phần còn lại chia cho những tài xế hùn tiền mua xe. Tiền thu từ vận chuyển người bệnh càng cao thì thu nhập của người có xe càng nhiều.
Ông Đặng Quyết Thành, đội phó đội xe BV Chợ Rẫy TP.HCM, nói với PV đã góp 100 triệu đồng để cùng mua tám xe. Ông Phạm Hương Bá (tài xế) xác nhận góp 200 triệu đồng. “Tôi cũng hùn gần 200 triệu đồng” - ông Lê Hữu Ân (tài xế) cho hay. Ngoài ra, ông Thành và ông Bá còn chịu trách nhiệm điều phối xe, ra giá tiền vận chuyển.
Ông Nguyễn Duy Thanh, đội trưởng đội xe BV Chợ Rẫy TP.HCM, khẳng định đội xe có 26 người thì hầu hết có cổ phần tám xe đó, trừ ông và vài người khác. “Bốn người trong đội xe cũng trực tiếp điều hành tám xe của mình và khoảng 10 xe cứu thương của một đơn vị khác” - ông Thanh cho biết thêm.
Ngày 13-4, trong buổi trao đổi giữa PV với BV Chợ Rẫy TP.HCM về vấn đề trên, trả lời câu hỏi tại sao cùng điểm đến là huyện Hóc Môn nhưng lại có đến hai giá vận chuyển, ông Thành cho hay Hóc Môn có chỗ gần, chỗ xa nên giá cả khác nhau. Về việc nhiều tài xế đội xe lấy giá vận chuyển cao hơn giá BV quy định, bà Bùi Khương Ly, Phó trưởng Phòng hành chính BV Chợ Rẫy TP.HCM (đơn vị quản lý đội xe), cho rằng có thể họ căn cứ vào quãng đường để tính nên số tiền vượt khung quy định 500.000 đồng.
Bệnh viện nhận sai
Ông Nguyễn Trung Sơn, Trưởng Phòng hành chính BV Chợ Rẫy TP.HCM, khẳng định tài xế đội xe lấy giá vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương cao hơn giá BV quy định là sai.
Theo ông Sơn, đội xe BV có 26 tài xế, hiện quản lý 15 xe cứu thương của BV để vừa phục vụ công tác cho BV, vừa làm dịch vụ vận chuyển bệnh nhân. Các tài xế trong tua trực phải làm các việc như đưa đón bác sĩ, lãnh đạo, chuyển viện… Do vậy, hoạt động dịch vụ vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương được thực hiện bởi các tài xế không nằm trong tua trực. Tối đa mỗi ngày chỉ năm xe cứu thương của BV hoạt động, vận chuyển 5-7 bệnh nhân.
“Do không đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển bệnh nhân về nhà, BV đã liên kết với tám xe cứu thương của tài xế đội xe BV và khoảng 10 xe của một đơn vị khác. Sau khi biết tám xe cứu thương do các tài xế đội xe hùn mua và họ lại điều phối chính xe của mình, BV đã ngưng liên kết với tám xe trên” - ông Sơn cho hay.
* * *
Trong khi BV Chợ Rẫy TP.HCM quy định giá tiền vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương rất chung chung thì nhiều BV khác ở TP.HCM đưa ra giá tiền rất cụ thể. Đơn cử tại BV Nhân dân 115, giá tiền vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương tới các quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 được niêm yết từ 200.000 đến 600.000 đồng. Về tới huyện Hóc Môn và Bình Chánh là 800.000 đồng. Tại BV Bình Dân, giá tiền về các quận 1, 3, 10, 11 là 400.000 đồng; các quận 4, 5, 6, 7, 8, Tân Bình là 500.000 đồng; về các quận Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú và Bình Chánh là 600.000 đồng…
Đại diện Phòng hành chính quản trị BV Nhân dân 115 cho biết trên xe cứu thương có trang bị giường nằm, ôxy, máy hút đàm, bóp bóng. Bệnh nhân trên đường vận chuyển về nhà nếu cần sẽ được sử dụng miễn phí những thiết bị này.
Tương tự, ông Nguyễn Hồ Vĩnh Phước, Trưởng Phòng công tác xã hội BV Bình Dân, cho biết thường xe cứu thương chỉ đưa bệnh nhân lượt đi, lượt về chạy xe không. Tài xế xe cứu thương ngoài lái xe còn phụ người nhà đưa bệnh nhân lên xe, vào nhà, mang vác đồ dùng giúp bệnh nhân. “Nhiều bệnh nhân sau khi sử dụng xe cứu thương cho biết dịch vụ này rất an toàn do thiết bị cấp cứu đầy đủ, giá cả lại được niêm yết công khai, tính ra rẻ hơn taxi nhiều” - ông Phước nói.
Bộ Y tế không quy định giá tiền vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương. Giá này do đơn vị thực hiện dịch vụ vận chuyển bệnh nhân xây dựng và được niêm yết công khai trong BV. Trong trường hợp bệnh nhân cần sử dụng dịch vụ này, BV sẽ giới thiệu đơn vị có chức năng vận chuyển và phải lấy đúng theo giá đã niêm yết. Nếu bệnh nhân không thỏa thuận được giá tiền với đơn vị vận chuyển thì có quyền tìm xe khác. Bà NGUYỄN THỊ HUỲNH MAI, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM |