Bệnh viện tự chủ mới nâng được chất lượng

Tại buổi chất vấn giám đốc Sở Y tế TP.HCM tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM ngày 8-12, PGS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng vấn đề tự chủ bệnh viện (BV) vẫn đang là một vấn đề đau đầu của ngành y tế.

Lùi thời gian tăng viện phí đến 1-7-2017

Theo quy định của Bộ Y tế về tự chủ BV thì từ ngày 1-1-2017, tiền lương và phụ cấp của các bác sĩ, điều dưỡng sẽ được tính vào giá bảo hiểm y tế (BHYT). Do đó, chi phí y tế sẽ nâng cao hơn. Có ba đợt tăng viện phí song song với quá trình tự thu, tự chi phụ thuộc vào BHYT bao gồm: Đợt 1 đối với các địa phương có tỉ lệ BHYT bao phủ 95%, đợt 2 trên 90% cho các tỉnh/thành phía Bắc. TP.HCM có tỉ lệ bao phủ BHYT chỉ mới đạt 79% nên thuộc đợt tăng viện phí cuối cùng là vào ngày 1-1-2017.

Vì vậy, theo giám đốc Sở Y tế TP, hiện toàn TP đã có tám BV thực hiện tự chủ, trong đó có sáu BV chuyên khoa và hai BV tuyến quận, huyện. Các BV đi đầu sẽ trở thành mô hình và là nơi truyền đạt kinh nghiệm cho các BV đi sau. “Không tự chủ tài chính thì rất khó nâng chất lượng BV. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn” - ông Bỉnh nói.

Cụ thể, các BV chưa thể tự chủ được hết do giá cả dịch vụ cho người không có BHYT khá cao. Nếu đột ngột tăng viện phí sẽ dễ xảy ra đột biến, ảnh hưởng đối tượng này. Do đó, trong lộ trình tự chủ sắp tới Bộ Y Tế và Bộ Tài chính đã đồng ý lùi việc tăng viện phí cho người chưa mua BHYT lại sáu tháng. Tức giữ nguyên giá dịch vụ đến ngày 1-7-2017 để người dân có thời gian mua BHYT, tham gia vào lộ trình tự chủ BV mà vẫn được hưởng đúng quyền lợi. Như vậy đến tháng 7-2017, TP.HCM sẽ có 32 BV tuyến TP và 23 BV tuyến quận, huyện tham gia tự chủ.

Bệnh nhân đóng phí khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM. Ảnh: HTD

Nâng cấp các bệnh viện yếu, nhỏ

Vấn đề khó khăn hàng đầu đối với y tế TP chính là những BV tuyến quận, huyện có lượt khám chữa bệnh thấp, thu nhập ít  rất dễ rơi vào khủng hoảng, không đủ lương trả cho đội ngũ y, bác sĩ nếu tham gia lộ trình này. “Với một BV nhỏ như BV quận 9, nằm giữa hai BV có số lượng bệnh nhân và chất lượng tốt như BV quận Thủ Đức và BV quận 2, nếu tham gia vào tự chủ sẽ gặp rất nhiều khó khăn” - ông Bỉnh ví dụ.

Trước thực tế này, giám đốc Sở Y tế cũng cho biết TP phải tập trung nguồn nhân lực trong một năm để cố gắng vực lên các BV nhỏ, hỗ trợ phòng khám vệ tinh, khoa vệ tinh về các BV này. Đồng thời, đề nghị Sở Tài chính có biện pháp hỗ trợ cho các BV có lượng bệnh nhân thấp trong một năm đầu để trả lương và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Cũng theo ông Bỉnh, việc nâng chất lượng khám chữa bệnh không chỉ thực hiện ở các BV lớn mà ở cả các trạm y tế phường/xã. Sắp tới, TP sẽ thí điểm mô hình phối hợp công tư ở một số trạm y tế ở quận trung tâm thành phòng khám đa khoa, có chức năng khám chữa bệnh để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho người dân.

 

Công bố thông tin về phòng khám Trung Quốc vi phạm

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện nay Sở Y tế cấp phép cho trên 200 phòng khám đa khoa và 4.500 phòng khám tư nhân cùng các phòng khám có yếu tố nước ngoài thuộc Bộ Y tế quản lý. Do vậy, tình hình của các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc khá phức tạp, khó quản lý mặc dù Sở Y tế TP vẫn kiểm tra thường xuyên, mỗi năm 3-4 lần. Có phòng khám vi phạm bị Sở phạt 900 triệu đồng nhưng vẫn cứ tiếp tục vi phạm. Có trường hợp di chuyển qua nơi khác hoặc bỏ luôn cơ sở vật chất để đầu tư chỗ khác.

Thời gian tới Sở sẽ công khai tất cả danh sách phòng khám trên mạng thông tin điện tử của TP. Công khai đầy đủ giấy phép, chức năng hành nghề của các phòng khám để người dân xem, lựa chọn. “Song song với đó, chúng tôi sẽ thông tin những phòng khám không đạt cho người dân biết để tránh bị lừa đảo” - ông Bỉnh cho biết.

_______________________________

Xã hội hóa trong dịch vụ y tế và tự chủ BV đang làm quá chậm. Cần sự phối hợp đồng bộ giữa Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn TP. Làm sao để ngành y tế phát triển mà người dân vẫn hưởng lợi được, tiết kiệm tối đa ngân sách của TP.

NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm