Những em bị điểm kém phải lên trước cờ làm bài kiểm tra dưới sự chứng kiến của toàn trường.Đó là cách làm của Trường THCS Bình An (quận 2, TP.HCM) trong buổi chào cờ đầu tuần của hai tuần qua. Sự việc đã khiến không ít phụ huynh bức xúc, học sinh (HS) bị ảnh hưởng tâm lý trong học tập.
Làm bài kiểm tra dưới cờ
Theo phản ánh của phụ huynh, cách đây khoảng một tháng, toàn bộ HS từ khối lớp 6 đến lớp 9 bắt đầu làm bài kiểm tra giữa kỳ I năm học 2015-2016. Sau khi có kết quả, những em nào bị điểm kém các môn toán, ngữ văn và tiếng Anh sẽ bị nêu tên, nhắc nhở trước giờ chào cờ đầu tuần. Mỗi tuần sẽ phê bình một môn, ngày 26-10, trường phê bình những em bị điểm kém môn toán, ngày 2-11 phê bình những em yếu môn ngữ văn và thứ Hai tuần tới (ngày 9-11) dự kiến sẽ phê bình những em bị điểm yếu môn tiếng Anh. Mỗi tuần có hàng chục em bị phê bình như thế.
Đáng nói, nhà trường không chỉ phê bình, nêu đích danh tên các em trước toàn trường mà còn mời tất cả HS bị phê bình đó lên dưới cờ làm bài kiểm tra trước sự chứng kiến của tất cả giáo viên và HS. Ngoài ra, trường còn dán danh sách kết quả kiểm tra giữa kỳ đó lên bảng thông báo để phụ huynh, giáo viên và HS theo dõi.
“Đây là cách làm quá phản giáo dục, xúc phạm đến danh dự của các em. Không lẽ nhà trường đặt nặng vấn đề điểm số đến như thế, quan trọng hơn cả danh dự, tâm lý của HS. Không chỉ những em bị nêu tên mà ngay cả những em không bị nêu tên cũng đều lo lắng, áp lực và những buổi chào cờ, đi học trở nên nặng nề” - một phụ huynh có con học ở trường này bức xúc.
Một số phụ huynh có con bị phê bình trước cờ cho hay con họ đã rất lo sợ mỗi khi đến thứ Hai. Có em học lực yếu, khi về nhà đã bật khóc vì xấu hổ và không muốn đến trường nữa.
“Nghe con nói bị phê bình trước toàn trường vì bị điểm thấp mà tôi giật mình. Tôi không hiểu tại sao nhà trường lại phải dùng cách này để giáo dục các em. Ở trong lớp, nếu con bị điểm kém đã ngại với bạn bè rồi, giờ con bị phê trước trường nữa thì làm sao? Tuổi này các em nhạy cảm lắm. Nếu em nào bi quan mà làm điều dại dột thì ai chịu trách nhiệm? Không lẽ nhà trường chỉ có cách này mới giáo dục được các em?” - một phụ huynh có con bị nêu tên lo lắng.
Ngôi trường xảy ra sự việc phê bình HS gây bức xúc cho phụ huynh hai tuần qua và hình ảnh HS trong giờ tập thể dục giữa giờ. Ảnh: P.Anh
Chỉ muốn học sinh nỗ lực học tốt hơn!?
Sáng 5-11, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Tiến Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường, thừa nhận đúng là nhà trường có phê bình những HS yếu trong giờ chào cờ đầu tuần. Những em này quá yếu trong đợt kiểm tra giữa kỳ I vừa qua. Tuy nhiên, thời gian qua nhà trường và giáo viên không nhận được bất kỳ phản ánh nào từ phụ huynh và HS về việc này. Bà Hiệp cho biết giờ chào cờ của nhà trường có nhiều hoạt động, nội dung để giáo dục các em chứ không chỉ có khen hay chê. Trong đó có biểu dương những HS có kết quả học và kiểm tra tốt. Và tất nhiên, bên cạnh đó cũng phải nhắc nhở những em quá yếu kém như có em thi cả ba môn toán, văn, tiếng Anh cộng lại mà chưa đến 10 điểm.
Sau đó, trường mời những em yếu này lên trước cờ để làm một bài kiểm tra giống như ôn lại kiến thức để HS chuẩn bị cho thi học kỳ sắp tới.
“Trường làm vậy là để nhắc nhở chung, giúp những em đó ngoan hơn, cố gắng học tập tốt hơn chứ không có ý trù dập hay gây khó khăn cho HS. Có thể cách làm của nhà trường chưa khéo nên khiến phụ huynh phiền lòng” - bà Hiệp nói.
Bà Hiệp nói thêm, trường rất buồn khi nghe thông tin này từ phụ huynh vì trường vẫn làm như vậy từ nhiều năm nay và không nghĩ gây ảnh hưởng đến tâm lý HS như thế.
Đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận 2 cũng cho biết đã nghe thông tin và sẽ tìm hiểu kỹ từ phía nhà trường để nắm lại sự việc cụ thể rồi mới có hướng xử lý.
Phê bình học sinh trước cờ là phản giáo dục Cách phê bình HS của nhà trường như vậy rất phản giáo dục. Có thể mục đích là tốt, muốn răn đe các em còn lại để HS cố gắng học tốt hơn nhưng phương pháp giáo dục lại sai. Nhà trường là môi trường giúp các em tiến bộ và trưởng thành. Nếu các em có phạm sai lầm, dù là vấn đề gì đi nữa thì về nguyên tắc, nhà trường cần hạn chế tối đa việc phê bình các em trước toàn trường. Nếu phê bình các em về học lực lại càng không nên. Vì như thế sẽ tác động tâm lý rất lớn lên HS, nhất là khi các em đang ở tuổi THCS. Còn việc bắt các em làm bài kiểm tra trước toàn trường lại càng phản giáo dục. Việc đó sẽ gây áp lực rất lớn trong học tập của các em, khiến các em xấu hổ trước bạn bè. Từ đó khiến các em nản chí, tự ti dễ dẫn đến bỏ học. Trừ khi trẻ phạm vào tội gì đó rất nặng (như chống đối...), lặp đi lặp lại, nhà trường đã nhắc nhở nhiều lần mà không được thì lúc đó mới phê bình các em trước toàn trường. Còn với HS, nếu HS sai phạm hoặc học yếu kém thì nhà trường nên giáo dục bằng cách tiếp cận từng em, chia sẻ và giúp các em để hiểu tại sao các em lại như vậy. Từ đó mới có phương pháp phù hợp cho từng em và giúp các em tiến bộ. ThS Nguyễn Thành Nhân, chuyên gia kỹ năng thực hành xã hội, cố vấn cao cấp Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á - Thái Bình Dương (ATY) Hiện nhà trường cũng đã làm giải trình với Phòng GD&ĐT quận 2, Đảng ủy phường về việc này. Đây là kinh nghiệm buồn với nhà trường vì những gì chúng tôi làm chỉ vì mục đích chăm lo cho HS thôi. Nếu cách làm của nhà trường như vậy gây bức xúc cho phụ huynh thì nhà trường sẽ rút kinh nghiệm và điều chỉnh phương pháp giáo dục trong các buổi sinh hoạt đầu tuần kế tiếp. Nhà trường sẽ cố gắng hạn chế tối đa việc nêu tên các em để không làm ảnh hưởng đến suy nghĩ và tâm lý của HS. Bà NGUYỄN TIẾN HIỆP, Hiệu trưởng Trường THCS Bình An |