Trong năm 2014, có gần 11.000 doanh nghiệp (DN) bị cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) ra thông báo vi phạm và thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD (giấy phép). Tưởng chuyện gì ghê gớm, hóa ra phần lớn trong số đó là DN bị “ép chết” vì không nộp thông báo định kỳ, không báo cáo theo yêu cầu.
Nhiều kiểu thông báo, báo cáo
Hiện nay trên cổng thông tin đăng ký DN thường xuyên cập nhật thông tin về xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép của DN. Hầu hết DN bị thu hồi giấy phép có liên quan đến chuyện nộp báo cáo.
Cụ thể, thông báo mới nhất ngày 31-12-2014, Công ty Cổ phần S.H (tỉnh Gia Lai) bị thu hồi giấy phép vì “không thực hiện rà soát, cập nhật thông tin về ĐKKD và đăng ký thuế theo thông báo của Phòng ĐKKD”, “không báo cáo theo yêu cầu”, vi phạm Điều 165 Luật DN.
Tại TP.HCM, gần đây nhất Công ty TNHH Lúa Ngàn Vàng (quận Tân Phú), Công ty Dịch vụ Phong Lưu (quận Tân Bình)... cũng bị Sở Kh & đt TP.HCM ra quyết định thu hồi giấy phép vì “không báo cáo theo yêu cầu”.
Cũng có trường hợp vì các lý do khác như Công ty Hóa chất Vi Na (quận 1) bị thu hồi giấy phép bởi “không báo cáo theo yêu cầu” và “không báo cáo về hoạt động kinh doanh trong 12 tháng liên tục”.
Một số trường hợp khác bị thu hồi giấy phép với ký do “không hoạt động quá một năm mà không thông báo cho cơ quan ĐKKD”.
Các DN cần lưu ý thực hiện chế độ báo cáo cho cơ quan thuế và cơ quan ĐKKD. Trong ảnh: Các DN đối thoại với cơ quan thuế. Ảnh: QUỲNH NHƯ
Bị khóa
Luật DN quả thật có cho cơ quan ĐKKD quyền tước phép với lý do DN không nộp báo cáo.
Theo quy định ở Điều 163 và Điều 165, DN phải nộp báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất theo yêu cầu.
Cục Quản lý ĐKKD (Bộ KH&ĐT) cho biết vài năm gần đây, các cơ quan ĐKKD tiến hành rà soát lại toàn bộ dữ liệu về DN để hiệu chỉnh cho đồng bộ trên hệ thống. Từ đó các địa phương đều có kế hoạch rà soát, kiểm tra DN hằng năm. Trong đợt kiểm tra, cơ quan ĐKKD có quyền ra thông báo yêu cầu DN nộp báo cáo, hiệu đính thông tin. Căn cứ theo đúng trình tự, thời gian nếu DN không thực hiện thì cơ quan ĐKKD có quyền tước phép.
Luật DN 2005 quy định DN phải nộp báo cáo về hoạt động kinh doanh định kỳ cho cơ quan ĐKKD. Song một lãnh đạo của Cục quản lý ĐKKD cho biết số DN nộp báo cáo định kỳ rất ít, chỉ vài phần trăm trong mấy trăm ngàn DN. Tuy nhiên, việc nộp báo cáo này dần cũng được loại bỏ nhằm cắt bớt thủ tục cho DN. DN chỉ cần nộp một báo cáo cho cơ quan thuế mà thôi. Cơ quan ĐKKD có thể liên thông để lấy được các báo cáo này.
Liệu DN quên nộp báo cáo định kỳ cho cơ quan ĐKKD thì có bị thu hồi giấy phép không? Lãnh đạo trên trấn an “DN nhận thông báo yêu cầu báo cáo thì cứ báo cáo. Trước khi thu hồi giấy phép luôn có các thủ tục nhất định, ví dụ gửi thông báo cho DN yêu cầu báo cáo đột xuất, yêu cầu DN giải trình. Không chỉ vì quên báo cáo định kỳ mà thu hồi giấy phép của DN. Luật DN 2014 đã bỏ quy định thu hồi giấy phép vì không báo cáo định kỳ 12 tháng”.
Trên cổng thông tin đăng ký DN, hầu hết DN bị thông báo vi phạm hoặc bị thu hồi giấy phép sẽ bị thông báo tình trạng DN là “bị khóa”.
Tự giải thể
Các DN bị thu hồi giấy phép bị đề nghị phải tiến hành thủ tục giải thể trong vòng sáu tháng. Cục Quản lý ĐKKD cho biết nếu DN không tự làm thủ tục thì sau sáu tháng, mã số thuế của DN cũng tự động bị khóa, hủy.
Trong khi rất nhiều DN muốn giải thể, đóng mã số thuế mà làm không được vì còn lằng nhằng giải quyết các thủ tục thuế, quyết toán thuế thì việc DN bị “ép” giải thể kiểu này lại không cần làm gì cũng xong thủ tục. Cục cho biết “nếu nhìn tích cực thì đúng là giải thể kiểu này nhanh hơn tự làm hồ sơ giải thể! Do đó Điều 202 Luật DN 2014 (Quốc hội đã thông qua tháng 11-2014, có hiệu lực vào tháng 7-2015), quy định DN nộp hồ sơ giải thể và cơ quan thuế phải “đốc thuế” trong 180 ngày. Nếu cơ quan thuế không hoàn tất thì sau 180 ngày DN cũng được tự động giải thể”.
Quy định trong Luật DN Điều 163 Luật DN 2005: Cơ quan ĐKKD có quyền “Yêu cầu DN báo cáo về tình hình kinh doanh của DN khi xét thấy cần thiết...; đôn đốc việc thực hiện chế độ báo cáo”. Luật DN 2014 vẫn giữ quy định này. Điều 165 Luật DN 2005: DN bị thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD và bị xóa tên trong sổ ĐKKD trong các trường hợp sau đây:... đ) Không báo cáo về hoạt động kinh doanh trong 12 tháng liên tục (điểm này đã được bỏ trong Luật DN 2014). e) Ngừng hoạt động một năm liên tục mà không thông báo. g) Không gửi báo cáo theo yêu cầu... |