Bị giam lố vì án bị hủy

Đó là trường hợp của bị cáo Nguyễn Hoài D., người bị TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) tuyên phạt 12 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Mức án này không bị kháng cáo, kháng nghị mà phía bị hại chỉ kháng cáo về tội danh và cho rằng bỏ lọt đồng phạm. Đến khi xử phúc thẩm, bị cáo (bị tạm giam) chỉ còn sáu ngày nữa là đủ số ngày bị giam theo án sơ thẩm. Thế nhưng do sai sót của tòa sơ thẩm và sự máy móc của tòa phúc thẩm, đến nay D. vẫn tiếp tục bị tạm giam.

Hủy án vì ghi sai tên kiểm sát viên

Theo hồ sơ, Nguyễn Hoài D. thuê mặt bằng của bà V. ở Bình Chánh (TP.HCM) để mở tiệm cắt tóc. Ngày 16-11-2012, ông Lâm Trường Thanh gọi điện thoại cho bà V. nhưng bà này không nghe máy mà đưa cho D. nghe giùm. Sau đó giữa D. và ông Thanh xảy ra cãi vã. Khoảng 30 phút sau, ông Thanh đến tiệm cắt tóc và đe dọa sẽ đánh D. đồng thời đá ngã hai cái ghế trong tiệm. Lúc này D. đang cắt tóc cho khách và trên tay có cầm cây lược bằng gỗ. D. dùng cây lược gỗ đâm trúng vào người ông Thanh, gây thương tật 6%. Đến ngày 9-4-2013, D. bị bắt tạm giam.

Vợ bị cáo D. ứa nước mắt nói: “Tại sao sai sót của tòa mà lại bắt chồng tôi gánh chịu?”. Ảnh: NN

Ngày 25-11-2013, TAND huyện Bình Chánh đã tuyên phạt D. 12 tháng tù về tội cố ý gây thương tích.

D. kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng sau đó rút lại kháng cáo. Bị hại thì kháng cáo vì cho rằng xử bị cáo không đúng tội danh và bỏ lọt đồng phạm.

Ngày 3-4-2014 (tức chỉ còn sáu ngày nữa là số ngày bị cáo bị tạm giam bằng với mức án tòa sơ thẩm đã tuyên), TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại với thành phần HĐXX mới. Tòa cũng ra lệnh tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi tòa cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án. Lý do: Cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc phát hành bản án. Cụ thể, tên của kiểm sát viên tham gia phiên tòa không giống với tên của kiểm sát viên ghi trong hồ sơ, cũng như ghi ý kiến của luật sư không thống nhất. Từ đó, tòa không xem xét tới kháng cáo của bị hại.

Xin tại ngoại cũng không được

Chị T. (vợ bị cáo D.) nói: “Tòa sơ thẩm phạt chồng tôi 12 tháng tù là đã nặng lắm rồi, đến nay anh ấy bị tạm giam gần 15 tháng mà vẫn chưa xong án. Tôi lên tòa Bình Chánh làm đơn bảo lãnh xin chồng được tại ngoại nhưng họ nói tôi không có hộ khẩu cư trú ổn định nên không chấp nhận. Nếu chồng tôi có ý định bỏ trốn thì đã trốn ngay từ đầu rồi. Đằng này mỗi lần cơ quan điều tra mời lên làm việc, mặc dù tiệm đang có khách chồng tôi vẫn đi đàng hoàng. Tòa làm sai, bị hủy án là lỗi của họ, sao lại bắt chồng tôi phải lãnh hậu quả bị tạm giam lâu hơn mức án mà họ đã tuyên?”.

Chúng tôi nhiều lần liên hệ với ông Phạm Thái Lâm - Chánh án TAND huyện Bình Chánh nhưng ông Lâm chỉ trả lời bằng văn bản như sau: “Luật sư bảo vệ cho phía bị hại cho rằng hành vi của bị cáo cấu thành tội giết người và còn có đồng phạm là bà V. Bản thân bị cáo khai cũng không thống nhất trong quá trình điều tra, lúc thì khai dùng dao đâm, lúc thì khai dùng lược và không thường trú tại TP.HCM. Mặt khác, bản án sơ thẩm bị hủy nên không có hiệu lực”.

Từ đó ông Lâm cho rằng: “Trường hợp thời hạn bị cáo tạm giam đã dài hơn thời hạn bị cáo bị phạt tù trong bản án sơ thẩm (đã bị hủy) thì BLTTHS không quy định tòa án phải thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cho bị cáo tại ngoại”.

Trong văn bản trả lời cho chúng tôi, chánh án Phạm Thái Lâm nói ngày 19-6 tòa này sẽ đưa vụ án ra xử sơ thẩm lại.

NGÂN NGA

Sai chồng sai!

Trong vụ án, cả bị hại và bị cáo đều không kháng cáo về hình phạt. Nếu cấp phúc thẩm khéo léo thì chỉ cần đề nghị cấp sơ thẩm đính chính bản án do sai sót trong việc ghi tên của kiểm sát viên. đằng này tòa lại hủy án một cách quá máy móc, không cần thiết. cấp phúc thẩm đã không chú ý tới thời hạn bị cáo bị tạm giam gần bằng với án sơ thẩm nên đã ra lệnh tiếp tục giam bị cáo cho đến khi tòa cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.

Ngoài ra, luật không quy định phải có hộ khẩu (ở địa phương nơi bị cáo bị xét xử) mới được tại ngoại. Lẽ ra sau khi bị hủy án, tòa sơ thẩm nên cho bị cáo tại ngoại. Càng giam lâu thì càng bất lợi cho bị cáo và cũng không có lợi cho tòa án. Bởi tòa phúc thẩm không hề nói hủy án để điều tra lại thì tòa sơ thẩm không có căn cứ để thay đổi tội danh. Xử sơ thẩm lần hai, thế nào tòa sơ thẩm cũng phạt bị cáo bằng với ngày bị cáo bị tạm giam hoặc cao hơn. Như thế sai lại chồng sai.

Một lãnh đạo tòa ở TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm