Ai được đặt tiền để tại ngoại?

Điều 93 BLTTHS có quy định áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam nhưng từ trước tới nay, các cơ quan tố tụng rất dè chừng và hầu như không áp dụng do thiếu hướng dẫn. Để quy định này đi vào đời sống, Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - VKSND Tối cao - TAND Tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 17 ngày 14-11-2013 hướng dẫn khá cụ thể.

Việc đặt tiền bảo đảm thay thế tạm giam mang lại nhiều lợi ích khác cho xã hội nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Ảnh minh họa: HTD 

Năm điều kiện để áp dụng

Thông tư quy định chỉ áp dụng đặt tiền bảo đảm đối với những bị can, bị cáo có đủ năm điều kiện sau:

Thứ nhất, họ phải có nhân thân tốt (phạm tội lần đầu; có nơi cư trú rõ ràng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải).

Thứ hai, họ có khả năng về tài chính để đặt bảo đảm theo quy định. Đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần mà không có hoặc không đủ tiền để đặt bảo đảm thì xem xét khả năng tài chính của người đại diện hợp pháp.

Thứ ba, phải có căn cứ xác định sau khi được tại ngoại, họ sẽ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tố tụng và không tiêu hủy, che giấu chứng cứ hoặc có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử.

Thứ tư, việc cho họ tại ngoại không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Thứ năm, họ không thuộc các trường hợp không áp dụng đặt tiền bảo đảm (xem box).

Thông tư quy định rõ mức tiền bảo đảm mà bị can, bị cáo phải đặt: Không dưới 20 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không dưới 80 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng, không dưới 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng. Với một số trường hợp như có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cơ quan tố tụng có thể quyết định mức tiền bảo đảm thấp hơn nhưng không dưới 1/2 của các mức tương ứng nói trên.

Từ chối đặt tiền phải nêu rõ lý do

Thông tư quy định khi xét thấy có đủ điều kiện có thể áp dụng biện pháp đặt tiền bảo đảm, cơ quan đang tiến hành tố tụng đối với vụ án phải gửi cho bị can, bị cáo thông báo về việc đặt tiền bảo đảm kèm theo mẫu đơn đề nghị thông qua cơ sở giam giữ.

Bên cạnh đó, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền đề nghị bằng văn bản với cơ quan tố tụng về việc áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm khi thấy bị can, bị cáo có đủ các điều kiện như thông tư hướng dẫn.

Thông tư cũng quy định chi tiết về trình tự, thủ tục và các mốc thời hạn mà bị can, bị cáo, cơ sở giam giữ, cơ quan tố tụng phải thực hiện để áp dụng biện pháp đặt tiền bảo đảm. Đặc biệt, theo thông tư, trường hợp xét thấy không đủ điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm đối với bị can, bị cáo thì cơ quan tố tụng phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho người đề nghị biết.

 

Các trường hợp không cho đặt tiền bảo đảm

a) Bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;

b) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;

c) Bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; phạm tội rất nghiêm trọng thuộc loại tội phạm về ma túy, tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản;

d) Bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã;

đ) Bị can, bị cáo là người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;

e) Bị can, bị cáo là người nghiện ma túy;

g) Bị can, bị cáo là người tổ chức trong trường hợp phạm tội có tổ chức;

h) Hành vi phạm tội gây dư luận xấu trong nhân dân.

Tiểu điểm

Nhiều lợi ích

Có hướng dẫn thì biện pháp thay thế tạm giam này sẽ được áp dụng nhiều hơn. Chúng ta luôn đặt ý nghĩa khắc phục, giáo dục cao hơn việc trừng trị. Ý nghĩa lớn nhất của biện pháp đặt tiền bảo đảm là nhằm giảm tải cho các nhà tạm giam hiện nay và mang lại nhiều lợi ích khác cho xã hội trong khi vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Những người được đặt tiền bảo đảm không bị cách ly, được sinh sống, làm việc trong môi trường bình thường. Điều này giúp họ có điều kiện sớm khắc phục hậu quả phần nào, tốt cho xã hội nhiều hơn.

Thẩm phán VŨ PHI LONG, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm