ĐI TÌM “NÀNG THƠ” CỦA NHỮNG CA KHÚC NỔI TIẾNG - BÀI 3

Bí mật ca khúc Biển đêm và một cái kết có hậu

Nhắc đến Nguyễn Thị Hồng Ngát người ta nghĩ ngay đến một biên kịch, một đạo diễn, một nhà quản lý điện ảnh Việt Nam. Và trong giới văn chương hẳn ai cũng biết chị còn là một nhà thơ khá nổi tiếng. Nhưng ít người yêu nhạc biết rằng chị chính là tác giả bài thơ Biển đêm mà nhạc sĩ Lê Vinh phổ nhạc rất nổi tiếng từ hơn 30 năm về trước.

Nhà thơ “chết” trong âm nhạc của nhạc sĩ cũng là chuyện thường

Nhạc sĩ Lê Vinh gắn liền với nhiều ca khúc hay, như Mùa hoa cải với những ca từ duyên dáng: Có một mùa hoa cải/ Nở vàng trên bến sông/ Em đang thì con gái/ Đợi anh chưa lấy chồng”, rồi đến Hà Nội và Tôi, Biển đêm

Chỉ nói riêng ca khúc Biển đêm hẳn rất nhiều người yêu nhạc sẽ nghĩ ngay đến cố ca sĩ Ngọc Tân. Ca khúc Biển đêm do ca sĩ Ngọc Tân thể hiện đã gây bão một thời, từng được ví là đo ni đóng giày đã lấy không ít nước mắt của các cô gái, chàng trai đang yêu mỗi khi đứng trước biển. Anh cô đơn, anh cô đơn ngàn lần trước biển. Bởi thiếu vắng em, anh mong giờ có em ở bên để nghe sức sống trong ngực biển, để nghe ánh trăng gọi biển, hòa từng con sóng đêm ngày thiêu đốt trái tim anh… Biển, biển ơi, giữa trời đêm lộng gió tìm ai… Biển, biển ơi thức cùng anh có nhiều vì tinh tú và mênh mông thời gian…

Người nghe dẫu không cố ý nhưng dường như chỉ nhớ đến tên nhạc sĩ hoặc tên ca sĩ… và rất ít người biết được lời ca khúc, bài thơ ấy của ai. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát thừa nhận đôi khi nhà thơ bị “chết” trong âm nhạc của các nhạc sĩ là chuyện thường. Người ta hát lên ca khúc đó theo giai điệu sáng tác của người nhạc sĩ mà quên mất giai điệu đó thường được gợi ý từ một tứ thơ, nhịp điệu của bài thơ của nhà thơ.

Kể lại một chuyện hơi buồn, chị nói: “Đêm nhạc Biển của một thời của cố ca sĩ Ngọc Tân ở Nhà hát lớn Hà Nội cách đây đã lâu, tôi được nhà văn Trần Thị Trường cho đôi vé dù rằng ngồi trên gác cũng tốt chán vì người đến xem hôm ấy rất đông. Hai vợ chồng vui vẻ đi xem vì biết ca sĩ sẽ hát bài Biển đêm do nhạc sĩ Lê Vinh phổ thơ của mình. Khi tiết mục được giới thiệu thì chỉ thấy giới thiệu tên nhạc sĩ, chả đả động gì đến tên mình là tác giả bài thơ. Hai vợ chồng kể cũng hơi buồn”.

“Chàng thơ” trong Biển đêm là chồng nhà thơ

Ca khúc Biển đêm được ví là tiếng gọi của biển, tiếng gọi của tình yêu tha thiết. Nhưng đây cũng là một bài thơ hiếm hoi mà nhân vật thật trong bài thơ và người viết có một cái kết đẹp như cổ tích. “Tôi viết bài thơ này bên bờ biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) từ những năm 1990, trong thời gian tham gia trại sáng tác kịch bản điện ảnh do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức. Cảm hứng trước sự mênh mông của biển cả, của buổi tối mát lành sau khi thuyền đi đánh cá đã trở về “Biển tuyệt vời lộng gió giữa trời đêm/ Thuyền áp mái tựa đầu tin cậy ngủ/ Thức cùng em có triệu vì tinh tú/ Và mênh mông biển rộng đến không cùng/ Nơi xa vời anh có biết không/ Em gọi anh thì thầm cùng tiếng sóng/ Nếu nơi ấy anh thấy lòng xao động/ Là tình em vang vọng ngóng anh về...”. Nhân vật trong đó là có thật, người gây cảm hứng cho tôi viết được bài thơ này chính là người đã sống, đã đồng hành cùng tôi 25 năm nay. Đó là ông xã tôi bây giờ. Nhà văn - dịch giả Phan Hồng Giang” - chị kể.

Với chị Biển đêm cũng chính là món quà của trời cho, thật là quý. Bài thơ chỉ sau một buổi tối đã hoàn thành.

Nhạc sĩ Trần Hoàn cũng từng phổ thơ

Ngoài bài thơ Biển đêm, nhạc sĩ Lê Vinh còn phổ hai bài thơ khác nữa của chị. Chị kể khoảng những năm cuối 1980, đầu 1990 một lần nhạc sĩ Lê Vinh đến chơi nhà đã cầm hai bài thơ của chị và nói về sẽ phổ nhạc. “Ít lâu sau anh ấy đến hát cho tôi hai bài mà anh ấy phổ. Tôi nghe và bảo bài Biển đêm hay hơn chắc sẽ nhiều người hát, biết đâu lại nổi tiếng. Ai dè bài hát hay thật” - chị Ngát nói.

Nhưng vào thời đó, theo nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, Lê Vinh mới học xong một khóa nhạc chưa mấy nổi tiếng như sau này. Tiếc là lâu rồi không thấy anh ấy viết ca khúc nữa và chị cũng không biết cuộc sống của nhạc sĩ như thế nào vì đã lâu rồi không gặp lại.

“Thơ và nhạc thường là cặp bài trùng gắn với nhau chặt chẽ, không rời nhau bao giờ. Lời thơ đẹp hứa hẹn là một bài hát đẹp và hay. Nhưng làm gì cũng cần phải có chữ duyên. Gặp được nhau cũng cần phải có duyên mới gặp được, tri âm tri kỷ càng vậy.

“Dù sao tôi cũng cần phải cám ơn nhạc sĩ Lê Vinh” - chị nói.

Tuy nhiên, đây cũng không phải là bài thơ duy nhất mà nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát sáng tác được phổ nhạc. Vốn là một người yêu biển, thích biển nên trước đây mỗi lần ra với biển chị đều viết được một bài thơ nào đó. Trong số đó chị từng có một ca khúc về biển do cố nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ thơ. Bài này đã được giới thiệu trên VTV trong chương trình giới thiệu Ca khúc mới hay do BTV Châu Anh làm MC. Tiếc là sau khi nhạc sĩ mất, ít ca sĩ hát nó dù rằng bài hát này có in trong tuyển tập các ca khúc của nhạc sĩ Trần Hoàn.

Riêng với nhạc sĩ Trần Hoàn, chị bảo sau khi xin phép lấy thơ để phổ nhạc, nhạc sĩ Trần Hoàn thường mời nhà thơ nghe ông hát bài ông vừa sáng tác và xin nhà thơ “xem lời có sai chữ nào không để ông yên tâm. Nếu có sửa chữ nào cho thuận với nhạc ông đều hỏi trước. Như từ bài thơ “hơi ấm chiều cuối năm” của chị, khi nhà thơ phổ nhạc đã xin bỏ đi hai từ “hơi ấm” thành “chiều cuối năm”. “Đúng là cách làm việc rất văn minh và cần thiết của một nhạc sĩ lớn. Với bài thơ Biển của tôi, ông đã làm như vậy” - chị nói.

Từ một diễn viên chèo… lên làm giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam

Người ta thấy Nguyễn Thị Hồng Ngát ở vai trò một nhà quản lý điện ảnh, khi thấy chị xuất hiện với vai trò một nhà thơ. Nhưng chị lại vốn xuất thân từ Trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam và khởi nghiệp là diễn viên chèo. Sau đó đi du học tại trường ĐH điện ảnh tại Nga, tốt nghiệp ĐH loại ưu và về làm tại Hãng phim truyện Việt Nam cho đến ngày lên làm giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, đến cục phó Cục Điện ảnh. Khi được hỏi chị muốn được gọi là “nhà” gì, chị bảo cả đời mình người ta gọi là đạo diễn, diễn viên hay nhà thơ thì cũng vẫn là Nguyễn Thị Hồng Ngát. Nhưng thích được là nhà thơ nhất vì đơn giản hai chữ nhà thơ nói lên sự “là mình” nhiều hơn. Và “khởi thủy của tôi là thơ và kết thúc cũng sẽ là thơ” - chị nói.

Trong suốt mấy chục năm làm nghề cầm bút, điều để lại ấn tượng nhất với chị thật đơn giản đó là khi mình buông bút đánh dấu chấm hết cho một tác phẩm có thể là kịch bản, có thể là một bài thơ, có thể là một bài báo... vừa viết xong. Giống như anh nông dân cày xong thửa ruộng. Khoan khoái, vui vẻ. Và sau đó là cảm xúc dâng trào khi nhận được... nhuận bút - thành quả lao động của mình. “Mấy chục năm nay với tôi, hai khoảnh khắc đó là những ấn tượng sâu sắc nhất” - chị cười.

Tám năm mới lấy xong một tấm bằng đại học

Nửa đời trẻ tuổi chạy theo bằng cấp, chạy mướt mồ hôi mới kịp mọi người, vứt bỏ bao nhiêu thứ quan trọng trong cuộc sống, chồng, con cái và cuộc sống riêng của mình để đi xa kiếm lấy cái bằng. Không có cái bằng ấy thì không được coi trọng, không có căn cứ để thăng tiến.

Và để có một tấm bằng người ta mất bốn năm thì mình mất đến tám năm. Một năm học trong trường ĐH sân khấu điện ảnh, sau đó được cử đi học ở Nga thì trước khi đi phải mất một năm học ở Trường Ngoại ngữ Thanh Xuân. Sang Nga mất thêm một năm học dự bị nữa rồi mới vào học năm năm chính thức. Tám năm biết bao vật đổi sao dời trong đời một người đàn bà, nhất là khi cô ấy mới ở tuổi 30, bỏ lại đằng sau ba đứa con lít nhít... Được một tấm bằng đỏ cũng bõ công nhưng nhìn lại chặng thời gian dài ấy cũng thấy hãi. Nhưng công bằng mà nói, có học bao giờ cũng hơn, song chỉ vì việc học mà phải hy sinh quá nhiều thứ thì cái giá quả là quá đắt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm