Dưa hành, củ kiệu, dưa muối... là những món không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia, món ăn này không chỉ giúp tăng thêm hương vị cho món ăn như ăn kèm bánh chưng, thịt mỡ... mà còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động của đường ruột.
Mặc dù vậy, những món ăn trên nếu không sử dụng đúng cách sẽ gây hại cho cơ thể. PGS Lâm lưu ý một số đối tượng dưới đây nên hạn chế sử dụng món ăn trên.
Dưa hành muối mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, song không phải ai cũng có thể sử dụng được. Ảnh: Công Vũ
Người mắc bệnh dạ dày: Trong các món dưa muối, vì trải qua quá trình lên men nên chứa nhiều acid, khi ăn nhiều dạ dày sẽ tăng tiết dịch vụ, axit ảnh hưởng đến niêm mạch bên trong, khiến các vết viêm, loét trở nên nghiêm trọng hơn.
Người mắc bệnh thận, tăng huyết áp:Với các món dưa kiệu muối, hay dưa muối... thường sử dụng lượng muối lớn khi chế biến, do đó những người mắc bệnh thận hoặc tăng huyết áp nếu ăn quá nhiều dưa muối sẽ nạp lượng lớn natri, làm bệnh trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt, bệnh nhân bị suy thận khả năng đào thải natri kém, nếu ăn các món này sẽ làm ứ đọng muối trong cơ thể, gây phù và tăng huyết áp.
Theo khuyến cáo, lượng muối tiêu thụ trung bình một ngày chỉ khoảng 5 g, ngoài ra còn phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể, giới tính, độ tuổi...
Phụ nữ mang thai: Theo chuyên gia y tế, phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn dưa hành, dưa kiệu muối... Nguyên nhân là do khi mang thai, hệ tiêu hóa của mẹ bầu trở nên nhạy cảm, ăn các món muối có thể làm kích thích, tăng cảm giác đầy bụng, buồn nôn. Đặc biệt là những tháng cuối của thai kỳ, bạn cần phải ăn nhạt để tránh phù, nhiễm độc thai nghén.
Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, trẻ em nhỏ dưới 5 tuổi cũng không nên ăn dưa hành muối. Ở độ tuổi này, chức năng thận, hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn chỉnh nên việc ăn nhiều đồ muối cũng ảnh hưởng đến việc đào thải muối ra khỏi cơ thể.