Bí quyết ăn Tết thả ga mà không lo rối loạn tiêu hóa

(PLO)- Gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa, nên ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp; đồng thời bổ sung lợi khuẩn để ổn định hệ tiêu hóa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong những ngày Tết, rối loạn tiêu hóa là một vấn đề phổ biến gây ra các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, hoặc tiêu chảy... Nguyên nhân chính là do thói quen ăn uống thả ga và tiêu thụ quá nhiều calo trong thời gian ngắn, khiến cơ thể không kịp thích ứng.

Trao đổi với PLO, BS Nguyễn Thị Hòa, Viện Nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng TP.HCM, cho biết Tết đến xuân về là dịp gặp mặt người thân trong gia đình, bạn bè với các bữa tiệc kéo dài, mâm cao cỗ đầy. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm khiến một số người gặp các vấn đề về rối loạn tiêu hóa.

3 nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hoá

Thứ nhất, tình trạng rối loạn tiêu hoá là do việc ăn uống không đúng giờ và điều độ như ngày thường. Đây là dịp mọi người dành thời gian để nghỉ ngơi và đi chơi Tết, không chú trọng nhiều đến việc ăn uống nên đôi khi sẽ bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều bữa. Những điều này dễ có nguy cơ gây ra rối loạn tiêu hóa.

Thứ hai, là chế độ ăn không cân đối. Trong mâm cơm ngày Tết, các gia đình thường có rất đa dạng các món ăn. Thế nhưng, các món ăn chủ yếu lại giàu chất đạm, đường, chất béo như: bánh chưng, bánh tét, các loại giò chả, thịt đông. Cách chế biến các món ăn này chủ yếu là chiên rán hoặc xào với nhiều dầu mỡ. Ngoài ra, các món ăn vặt trong ngày Tết rất nhiều như bánh ngọt, mứt, kẹo, nước uống có gas; trong khi đó trái cây tươi và rau xanh lại rất ít.

Thứ ba, là do cách bảo quản thực phẩm chưa đúng. Trước Tết, người dân thường có thói quen tích trữ rất nhiều thực phẩm. Đến ngày Tết, thực phẩm lại bị dư thừa, cần phải bảo quản lại. Tuy nhiên, nhiều gia đình không biết cách bảo quản thực phẩm đúng hoặc tâm lý chủ quan dẫn đến sử dụng những thực phẩm ôi thiu, bị nhiễm khuẩn chéo từ các loại thực phẩm khác gây rối loạn tiêu hóa.

Nói về những dấu hiệu nhận biết của tình trạng trên, BS Hòa cho biết rối loạn tiêu hóa là tổng hợp các triệu chứng bất thường của đường tiêu hóa từ miệng tới ống hậu môn. Một số biểu hiện thường gặp của rối loạn tiêu hóa có thể kể đến như buồn nôn, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, thay đổi thói quen đi tiêu như tiêu chảy hoặc táo bón.

"Đáng lưu ý biểu hiện đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất khi xuất hiện rối loạn tiêu hóa. Tình trạng này đa số có dấu hiệu đau âm ỉ nhưng cũng có một số trường hợp đau bụng dữ dội. Những trường hợp này cần đi khám để xem có phải đau bụng ngoại khoa như đau ruột thừa, thủng tạng rỗng (một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao)" - BS Hòa nhấn mạnh.

IMG_0927.jpeg
Các món ăn chủ yếu là giàu chất đạm, đường, chất béo như: bánh chưng, bánh tét, các loại giò chả, thịt đông nếu nạp quá nhiều vào cơ thể có gây ra triệu chứng rối loạn tiêu hoá. Ảnh: TRẦN MINH

Làm gì khi bị rối loạn tiêu hóa?

BS Nguyễn Thị Hòa cho biết khi gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa vào những ngày Tết, người dân nên ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp. Đồng thời, bổ sung lợi khuẩn để ổn định hệ tiêu hóa, lựa chọn các loại thực phẩm lên men như sữa chua, kombucha.

Bù nước nếu có tình trạng tiêu chảy nhiều, người dân cần uống đủ nước và có thể dùng oresol, uống thêm trà gừng ấm bởi gừng là vị thuốc dân gian thường được sử dụng rộng rãi để cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Một số loại thuốc thường được sử dụng để cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa gồm thuốc giảm đầy hơi, khó tiêu, thuốc chống tiêu chảy, bổ sung men vi sinh, nước chứa điện giải để cải thiện các triệu chứng.

Tuy nhiên, BS Hoà khuyến cáo trước khi sử dụng các loại thuốc liên quan đến rối loạn tiêu hóa, người bệnh cần được thăm khám và tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ để tránh tác dụng phụ không mong muốn. Trường hợp xuất hiện cảm giác mệt mỏi liên tục, nôn ói hoặc tiêu chảy nhiều, đau bụng dữ dội, những dấu hiệu nặng của rối loạn tiêu hóa, người bệnh nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.

Xua tan nỗi lo đầy bụng, khó tiêu... trong dịp Tết

Để phòng ngừa tình trạng rối loạn tiêu hóa ngày Tết, BS Hòa khuyến cáo người dân nên có chế độ ăn cân đối. Theo đó, chế độ ăn cân bằng không có nghĩa là bỏ hết những món ngon ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, giò chả, bánh kẹo... mà người dân cần có ý thức hơn trong việc lựa chọn thực phẩm.

Mọi người có thể áp dụng nguyên tắc dinh dưỡng là 80/20. Cụ thể, không cần kiêng hoàn toàn các loại thực phẩm vào dịp Tết nhưng nên giới hạn sử dụng dưới 20% là bánh kẹo, mứt, nước ngọt. Còn lại 80% là thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Đối với những bữa phụ ngày Tết, bạn có thể tăng cường ăn các loại trái cây và nhiều loại hạt như hạt dưa, hạt hướng dương, hạt điều.

Bên cạnh lựa chọn thực phẩm an toàn thì việc bảo quản thực phẩm đúng cách cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, bảo vệ cơ thể khỏi những triệu chứng khó chịu của rối loạn tiêu hóa. Người dân cần phân loại thực phẩm tươi và thực phẩm chín để tránh lây nhiễm chéo khi dự trữ trong tủ lạnh.

Ngoài ra, tủ lạnh cũng cần được vệ sinh định kỳ ít nhất một lần/tháng vì đây là nơi chứa nhiều vi khuẩn nhất mà mọi người không nhìn thấy được. Mọi người phải luôn nhớ rằng thực phẩm phải được hâm nóng trước khi ăn, ưu tiên ăn đồ ăn nấu chín. Đồ ăn để bên ngoài trên hai tiếng cũng phải hâm lại để tránh ngộ độc thực phẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm