Truyền hình và phương tiện truyền thông quốc gia đã được mời đến nhà dưỡng lão để ghi lại các hình ảnh tại buổi sinh nhật. Bà hiện là người phụ nữ thọ nhất thế giới khi cuộc đời trải dài trên... 3 thế kỷ. Chia sẻ bí quyết sống lâu với phóng viên, bà khẳng định: “Ăn, ngủ điều độ sẽ sống thọ”.
Ăn nhiều sushi và ngủ 8 tiếng/ngày
Bà Misao Okawa sinh năm 1898 ở Osaka, Nhật Bản. Bà được ghi nhận là người già nhất thế giới sau cái chết của Jireomon Kimura, 116 tuổi vào tháng 6/2013 vừa qua. “Ăn và ngủ sẽ giúp kéo dài tuổi thọ. Ngủ ít nhất 8 giờ mỗi đêm và nên có những giấc ngủ ngắn thường xuyên. Hãy học cách thư giãn”, bà nói trong một bài phỏng vấn của tờ The Telegraph (Anh).
“Bà Okawa ăn 3 bữa chủ đạo mỗi ngày và luôn đảm bảo ngủ 8 tiếng một đêm”, ông Tomohino Okada, người phụ trách Nhà dưỡng lão Kurenai nơi bà Okawa đã sống trong 18 năm qua cho biết. “Bà Okawa đặc biệt yêu thích sushi, nhất là cá thu, giấm gạo và bà ăn món ăn đó ít nhất một lần mỗi tháng”, ông Okada nói thêm.
Bà Misao Okawa đã bước sang tuổi 116.
Khi được hỏi về những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời kéo dài 3 thế kỷ của mình, bà Okawa không ngần ngại nhắc lại cuộc hôn nhân với ông Yukio Okawa vào năm 1919 và sự ra đời của 3 đứa con. Hiện một con trai và một con gái của bà vẫn còn sống. Có lẽ do được thừa hưởng gen của mẹ nên cũng đang ở độ tuổi 94 và 92.
Vì sao người Nhật sống thọ?
Tuổi thọ trung bình cho một người phụ nữ Nhật Bản hiện nay là 85,9 tuổi trong khi tuổi thọ trung bình của đàn ông Nhật Bản là 79,6 tuổi. Số lượng phụ nữ có tuổi thọ cao chiếm đến 87% số lượng người cao tuổi quốc gia. Theo thống kê, ở Nhật Bản hiện có 282 người trên trăm tuổi, nhiều người đã đạt đến mốc 110 tuổi. Các chuyên gia cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà Nhật Bản lại trở thành quốc gia có nhiều người sống thọ đến vậy.
Những kết quả này phản ánh sự toàn diện của hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia, sự hỗ trợ của cộng đồng, chính sách khuyến khích duy trì hoạt động thể chất ngay cả với người cao tuổi, sự thoải mái tinh thần và chế độ ăn uống lành mạnh theo truyền thống như cá, gạo, rau và trái cây.
Ông Yasuyuki Gondo, một giáo sư tại Đại học Osaka chuyên về tâm lý lão khoa nói rằng, tuổi thọ cao có thể do nhiều nguyên nhân chứ không đơn thuần là một chế độ ăn uống tốt và hệ thống chăm sóc y tế tiên tiến.
“Khi tiến hành khảo sát những cụ ông, cụ bà trăm tuổi, chúng tôi thấy rằng, phần lớn trong số họ được sống trong bầu không khí tinh thần thoải mái, có khả năng thích nghi tốt với các tình huống tâm lý xảy ra trong cuộc đời”, ông Gondo nói với phóng viên tờ Telegraph. Giáo sư Gondo cũng cho rằng, những người có ý chí mạnh mẽ, hướng ngoại, có trí tò mò, ham hiểu biết sống lâu hơn những người bình thường khác.
Giáo sư Gondo cũng từng nghiên cứu trường hợp của bà Okawa và nhiều người khác. Ông khẳng định rằng, bà Okawa là người có ý chí và quyết tâm cao. Vào mùa thu năm 2000, khi đó bà Okawa đang ở tuổi 102, do sơ ý, bà bị ngã gãy chân.
Trở về nhà dưỡng lão sau một thời gian điều trị trong bệnh viện, các nhân viên đã thấy bà Okawa cố gắng vịn vào tường để tập đi. Khi được hỏi rằng đang làm gì, bà Okawa nói rằng, bà đang “cố gắng để duy trì các hoạt động của các bộ phận trên cơ thể”.